Đà Lạt xây dựng thành phố văn minh, thân thiện từ cơ sở

Cập nhật: 09/08/2012
Đà Lạt (Lâm Đồng) đã và đang triển khai nhiều giải pháp từ cơ sở để đạt được các chỉ tiêu thành phố văn minh, thân thiện vào năm 2015 là: 70% cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa; 40% phường đạt văn minh đô thị; 50% xã đạt xã nông thôn mới, duy trì 62% độ che phủ của tán rừng.

Thống kê từ năm 2005 đến nay, thành phố Đà Lạt đã hướng về từng thôn, tổ dân phố, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, khu thương mại, khu du lịch… để làm đơn vị cơ sở triển khai các giải pháp xây dựng văn minh đô thị. Trên mỗi địa bàn dân cư đã thường xuyên, liên tục triển khai nhiều hình thức tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý xây dựng nói chung; về việc triển khai quy hoạch chi tiết thành phố Đà Lạt nói riêng. Kết quả từ cấp phường, xã đến cấp thành phố đã hoàn tất nhanh, gọn thủ tục cấp phép xây dựng cho 5.425 công trình trên tổng diện tích hơn 488.250m²; tổng diện tích sàn xây dựng hơn 1.193.500m². Tất cả phường, xã, cơ quan, đơn vị, trường học… đều đã bổ sung vào quy chế làm việc của cán bộ, công chức về việc phải luôn có thái độ phục vụ nhân dân tận tình, chu đáo và đạt hiệu quả cao nhất, thể hiện sự văn minh trong ứng xử và giao tiếp. Điều này càng biểu hiện rõ nét nhất ở lĩnh vực kinh doanh, thương mại với tinh thần của người Đà Lạt “hiền hòa – thanh lịch – mến khách”, từng ngành hàng ở các khu chợ lớn, nhỏ, hệ thống nhà hàng… đã tiến hành ký cam kết với chính quyền về việc bán hàng đúng giá, niêm yết công khai,... Đồng thời, hàng loạt “chợ cơ sở” trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được nâng cấp, xây dựng mới và đưa vào hoạt động ổn định và từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu giao thương tại chỗ các mặt hàng nông sản, thực phẩm và may mặc của người dân như: khu chợ đêm Đà Lạt, chợ Bùi Thị Xuân, chợ Nguyễn Lương Bằng, chợ Đào Duy Từ, chợ Thống Nhất… Phong trào xây dựng “Nhãn hiệu xanh” đối với đơn vị nhà hàng, khu du lịch, cơ sở lưu trú… ở Đà Lạt cũng đã ngày càng đi vào thực chất hơn. Trong 115 cơ sở được UBND thành phố Đà Lạt ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn “Nhãn hiệu xanh”, đã có 54 cơ sở được trao cúp “Chất lượng xanh”.

Cũng theo số liệu của UBND thành phố Đà Lạt, từ năm 2005 đến nay, với phong trào xây dựng “12 tuyến đường không rác”, hàng năm, thành phố thu gom và xử lý hơn 45 ngàn tấn rác sinh hoạt, trồng mới trên 10 ngàn cây xanh phân tán và cây xanh đường phố, chăm sóc thảm cỏ, cây xanh trên 36 tiểu công viên với tổng diện tích khoảng 10ha. Đặc biệt, trong “Tháng thanh niên” hàng năm, hàng ngàn lượt đoàn viên, thanh niên trong thành phố đã tích cực tham gia nhiều hội thi tuyên truyền về bảo vệ môi trường thân thiện, “Vì một thành phố không rác”. Và bằng những hành động cụ thể, đông đảo đoàn viên, thanh niên trong thành phố Đà Lạt đã triển khai ra quân ngày thứ bảy và chủ nhật, cùng với phong trào “Chủ nhật xanh” ở khu dân cư để làm vệ sinh dọn rác xung quanh hồ Xuân Hương, dọc suối Phan Đình Phùng, suối Cam Ly và các khu dân cư trung tâm, từ đó góp phần nâng cao ý thức xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp mỗi ngày trong cộng đồng. Với 132 tuyến đường trong thành phố Đà Lạt hàng năm đều được dành một khoản kinh phí đáng kể để duy tu, bảo dưỡng, thay mới biển báo giao thông… Tính chung từ năm 2004 đến nay, thành phố Đà Lạt với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, đã đầu tư lắp đặt mới 2.839 bộ đèn chiếu sáng công cộng, 186km đường dây điện, 122 tủ điều khiển hệ thống chiếu sáng, áp dụng các kỹ thuật tiết kiệm 20% năng lượng điện…

Từ những kết quả nêu trên, trong năm 2009 và 2011, thành phố Đà Lạt được Hiệp hội Đô thị Việt Nam công nhận là “đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua đô thị sạch của cả nước”. Phát huy những “mặt được”, Đà Lạt tiếp tục xây dựng thành phố văn minh, thân thiện đến năm 2015 trên từng đơn vị, cơ sở, phù hợp với điều kiện từng địa bàn, tập trung 7 lĩnh vực trọng tâm về trật tự xây dựng; giao tiếp nơi công cộng; sản xuất kinh doanh và dịch vụ; bảo đảm trật tự giao thông; bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng; xây dựng môi trường xã hội an toàn. Giải pháp trọng tâm được đưa ra ở đây là: “Mỗi đơn vị cơ sở có trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động, đề ra các quy định hướng dẫn, nhắc nhở để hình thành nếp sống văn minh, thân thiện trong sinh hoạt, học tập, giao tiếp tại cơ sở mình…”.

Nguồn: Báo Lâm Đồng