Cô Tô là hòn đảo nằm cách vịnh Bắc Bộ khoảng 80km đường biển. Sau gần 2 giờ đi tàu cao tốc từ cảng Cái Rồng, ngày 12/7/2012 chúng tôi đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp. Nếu như cách đây hai năm khi chúng tôi đặt chân đến đảo, ấn tượng đầu tiên là rác thì giờ đây cảm giác đó đã vơi đi phần nào.
Với mong muốn giúp cho người dân hiểu thêm về mối liên hệ giữa bảo vệ hệ sinh thái biển và phát triển sinh kế, Hành trình Việt Nam xanh (HTVNX) - một sáng kiến nhằm đưa nhà báo đến các vùng miền đất nước để trải nghiệm các vấn đề môi trường - và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã tổ chức hành trình biển đảo tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, đảo Cô Tô, và cuối cùng là thành phố Hạ Long. Hoạt động này được thực hiện với sự hỗ trợ của dự án Rừng ngập mặn cho Tương lai (MFF), Cơ quan Dịch vụ về Cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (US FWS), và Quỹ Dân chủ Liên hợp quốc (UNDEF).
Tại Cô Tô, đoàn đã tổ chức triển lãm về Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm “Nói không với túi nylon”. Tại lễ khai mạc triển lãm, chúng tôi đã rất vui khi nhận được sự cam kết của đồng chí Nguyễn Đức Thành – Bí thư/Chủ tịch huyện đảo Cô Tô – Năm 2014, huyện đảo Cô Tô phấn đấu nói không với túi nylon.
Song song với hoạt động triển lãm, hành trình đã tổ chức một số hoạt động cộng đồng như dọn bãi biển với sự tham gia của bộ đội và tình nguyện viên của các trường đại học từ Hà nội và Hải Phòng. Tổ chức “góc chuyển động xanh” bên bờ biển và tại khu chợ qua đó giới thiệu cách gấp túi giấy và sử dụng túi nylon có thể phân hủy thay cho túi nylon thông thường. Túi nylon có thể phân hủy là sản phẩm túi Oxium, có thể được phân hủy trong hai năm. Hành trình còn tổ chức cuộc thi vẽ cho các em học sinh về bảo tồn rùa biển và đổi túi nylon thông thường để lấy túi nylon có thể phân hủy. Hoạt động tập huấn bảo tồn rùa biển do IUCN tổ chức đã thu hút được sự tham gia của bộ đội biên phòng, người dân và các nhà báo tham gia. Chương trình giao lưu văn nghệ và chiếu phim rùa cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên đảo.
Với nỗ lực, sự quyết tâm và niềm đam mê, HTVNX đang cố gắng đem đến cho người dân tại mỗi vùng miền mà hành trình đi qua một thông điệp môi trường. Chúng tôi hy vọng người dân sẽ nhận ra bảo vệ môi trường đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sức khỏe và hạnh phúc của chính họ. Tuy nhiên, điều chúng tôi thấy buồn là chỉ hai ngày sau khi đặt chân lên Cô Tô, tất cả những thông điệp tờ phướn mà chúng tôi treo tại nơi công cộng đã bị lấy trộm. Đây là những thông điệp mà chúng tôi để lại với mong muốn giúp người dân và khách du lịch khi đi qua nhìn thấy và cố gắng hành động theo. Không hiểu người dân khi lấy được những tờ phướn họ sẽ làm gì? Điều này khiến chúng tôi trăn trở khi nghĩ đến cam kết của ông Chủ tịch huyện về đảo Cô Tô không túi nylon?