(TITC) - Đúng như giai điệu mượt mà, đằm thắm của bài dân ca Thái “Inh lả ơi, sao noọng ời; khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời; mùa xuân đến ngàn hoa hé cười...”, khung cảnh núi rừng Tây Bắc vô cùng hùng vĩ, đẹp hút hồn du khách, nhất là đường đến bản Mòng (xã Hua La, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, cách trung tâm thành phố khoảng 5km).
Điều đầu tiên mà du khách cảm nhận được khi đến bản là cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình với những dãy núi nhấp nhô, uốn lượn soi mình xuống dòng sông Nậm La xinh đẹp. Trên các sườn đồi phủ kín cà phê, mơ, mận, thông, tre. Xa xa là rừng cây với bạt ngàn đinh hương, nghiến, táu, sến, thông, trẩu… Vào mỗi độ xuân về, hoa mơ, hoa mận, hoa ban đua nhau nở trắng rừng. Mỗi khi đông đến, hoa vông gai lại nở đỏ rực trên khắp các sườn đồi và hai bên đường vào bản... Nổi bật giữa cảnh sắc tươi đẹp đó là bản Mòng với những nếp nhà sàn truyền thống cùng những người phụ nữ Thái tươi tắn trong trang phục áo cóm, cổ liền, váy màu đen tuyền, thắt dải lưng xanh…
Một góc bản Mòng (Nguồn ảnh: Internet)
Bản là nơi cư trú của hơn 106 hộ dân tộc Thái, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi và dệt, thêu thổ cẩm. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái như trang phục, trang sức, ẩm thực, lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ… vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày của họ. Bản Mòng còn hấp dẫn du khách bởi có nguồn nước khoáng nóng dồi dào. Tương truyền, bản nằm trong vùng đất có long mạch (mảnh đất rồng) mà vị trí dựng bản chính là đầu rồng với hai mắt là hai giếng nước nằm giữa bản, trong đó có một giếng nước khoáng nóng và một giếng nước lạnh nằm cách nhau hơn chục mét. Điều kỳ lạ là, nếu giếng nước khoáng nóng tăng nhiệt độ lên bao nhiêu thì giếng nước lạnh lại giảm nhiệt độ đi bấy nhiêu. Theo các nhà nghiên cứu, nhiệt độ nước khoáng nóng lộ thiên ở bản Mòng trung bình là 38ºC. Nước trong suốt, không màu, không mùi và có các đặc tính lý hóa, thành phần khoáng chất tự nhiên phù hợp chữa trị một số bệnh ngoài da, thấp khớp, thần kinh, tim mạch... Đặc biệt, nhiệt độ nước khoáng thay đổi theo mùa, vào mùa hè nhiệt độ nước dịu hơn, còn mùa đông thì nóng hơn. Nguồn nước khoáng ở đây về cơ bản còn đạt yêu cầu chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng nước khoáng, nước uống đóng chai của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ngày 23/10/1997.
Với tiềm năng du lịch phong phú, từ năm 1997, TP. Sơn La đã phối hợp với dân bản Mòng đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng kết hợp tắm suối khoáng nóng. Đến bản Mòng, du khách sẽ thấy nét đẹp bản làng đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Cổng vào thôn, đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp. Dân bản còn dựng một nhà sàn văn hóa cho các sinh hoạt cộng đồng, thành lập 1 đội văn nghệ chuyên biểu diễn các tiết mục dân gian Thái phục vụ du khách… Đáng chú ý, bên trong những ngôi nhà sàn mang kiến trúc truyền thống đều có phòng tắm, nhà vệ sinh được thiết kế hợp lý, đủ tiêu chuẩn.
Du lịch homestay tại bản, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng, mua sắm những sản phẩm dệt, thêu thổ cẩm tinh xảo do dân bản làm ra; đặc biệt là quây quần quanh những vò rượu cần để cùng thưởng thức rượu và các món đặc sản địa phương bày trên mâm bằng mây, tre (chẩm chéo - một loại nước chấm được làm từ muối rang, ớt nướng, hạt mắc khén, tỏi cùng các loại rau thơm xay nhuyễn; “cáy pỉnh” (gà nướng); “pa pỉnh tộp” (cá nướng); thịt hun khói; lòng khô; lòng nướng; rau rừng; hoa ban xào măng chua, măng lay; canh da bò, đuôi bò; cơm lam nướng; cơm nếp…). Hòa quyện cùng men rượu ngất ngây là tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng, rộn rã cùng hình ảnh người phụ nữ Thái biểu diễn những điệu xòe, lời khắp đằm thắm, trữ tình.
Hình thức du lịch cộng đồng đã giúp người dân bản Mòng không những bảo tồn mà còn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Với hướng đi này, bản Mòng sẽ luôn là điểm đến yên bình để du khách tạm quên đi những ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị.
Thanh Hải