Tam Nông – Vương quốc Tràm và Chim

Cập nhật: 01/10/2012
Tam Nông là huyện của tỉnh Đồng Tháp, nơi có khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia Tràm Chim, là khu Ramsar thế giới tại Việt Nam. Huyện lỵ là thị trấn Tràm Chim. Như tên gọi, đây là vương quốc của Tràm và Chim, là Đồng Tháp Mười thu nhỏ, là lá phổi xanh của Nam bộ, bạt ngàn xanh với mênh mông tràm và những đồng cỏ ngập nước.

Vừa rồi, anh Nguyễn Văn Thọ, giám đốc khu du lịch Hòn Rơm ở Phan Thiết rủ tôi xuống Đồng Tháp. Chả là mùa thấp điểm, anh cho nhân viên xả trại về với sông nước miền Tây. Anh em lâu ngày chưa gặp, nhân thể bàn chuyện phối hợp làm trung thu từ thiện. Xong việc, chúng tôi hồ hởi kéo nhau vào Tam Nông, bởi “Chưa đến Tràm Chim coi như chưa hiểu gì về Nam bộ?”. Mùa nước nổi đang về. Khác hẳn mùa lũ, mùa lụt khắc nghiệt và tang thương ở miền Trung, miền Bắc. Người dân miền Tây rộn rã đón nước nổi từng ngày. Mỗi ngày, nước chỉ “nổi” lên từ từ, chừng mười đến hai mươi phân. Nước nô nức từ thượng nguồn Mekong, qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia; kéo nhau xuống Nam bộ mở hội. Nước sóng sánh niềm vui; người nhộn nhịp, hối hả. Bởi mùa nước nổi cũng là mùa thu hoạch với bao sản vật của đất trời ban tặng.

Thị trấn Tràm Chim như một ốc đảo, lạ lùng và đông vui giữa bốn bề nước. Trên trời, dưới nước; chỉ có trời nước chứ không thấy trời đất. Nhà cửa, con người và cây cối như những nét chấm phá sống động tuyệt vời giữa bức tranh khổng lồ trời nước. Cả người và cây, bao đời đã quen sống chung với nước. Nước về ngập đồng, ngập đất mang theo bao phù sa và sản vật cho đời. Những hàng cây ngập nước, không úa vàng héo rũ mà vẫn rối rít vẫy chào, mượt mà xanh vui. Những loài hoa đặc thù như điên điển, súng, sen …càng tươi cười khoe sắc. Chợ Tràm Chim nhung nhúc rắn và chuột. Nào rắn bông súng, hổ hành, ri voi, ri cá, rắn trun, rắn râu…Chúng lúc nhúc quấn quít, lóc nhóc ngóc đầu ngo ngoe như cố tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra với chúng. Khách và rắn cứ trố mắt nhìn nhau. Người kinh ngạc, có chút sợ hãi; còn rắn thì ngạc nhiên và dửng dưng bất cần. Chuột đầy nhóc trong các lồng sắt. Chúng hốt hoảng, nháo nhào, loi choi tìm đường về hang mà vô phương. Đành trơ mắt chuột ngơ ngác và vểnh râu nhìn thiên hạ. Con nào cũng láng mượt lông và núc ních. Bên cạnh là những rổ chuột trắng phau, nằm xếp lớp cạnh nhau, thảnh thơi vì đã trả hết nợ đời, chờ người mang về chế biến. Có cả rùa và vô số ốc bươu tròn căng. Nhiều nhất là cá linh tươi rói, lấp lánh ánh bạc. Rồi cá rô, cá lóc, cá chạch, cá trèng, tôm…Con thì nhảy lách tách, con thì “tập quân sự” bò trườn như cố tạo sự chú ý. Đáng yêu nhất chợ là rau hoa, mới nhìn đã no mắt. Điên điển vàng kiêu hãnh, súng tím dịu dàng, súng ma trắng tinh tế; rau nhút, rau trai, rau cù nèo, rau dừa, cóc trời…xanh đằm thắm. Tôi đứng ngẩn tò te, ngắm tần ngần như đứng trước nhiều cô gái quê xinh đẹp. Cứ tham lam muốn mang cả chợ về nhà.

Đến Tràm Chim, niềm vui càng nhân lên bởi bất ngờ gặp học trò. Ngọc Huyền, sinh viên lớp Hướng Dẫn Viên, khoa Tài Nguyên Môi  Trường, đại học Nông Lâm đang thực tập tốt nghiệp. Đặng Tiến Khoa và mấy bạn ở bộ phận dịch vụ Tràm Chim vừa dự lớp huấn luyện “Marketing du lịch hiện đại” do ITPC thành phố tổ chức mà tôi là giáo viên. Ở trường, thầy dạy trò. Về đây, trò dạy lại thầy. Các học trò, dùng vỏ lãi - còn gọi là tắc ráng, tận tình đưa thầy đi  khám phá Tràm Chim. Quá nhiều điều mới lạ, không thể học ở trường. Quá ngạc nhiên và thú vị. Tràm Chim là giang sơn của nhiều loài chim di cư. Làm chim cũng sướng thiệt. Tha hồ đi du lịch các nước, không tốn tiền. Cũng chẳng cần làm passport, visa hay xin xỏ ai cả. Đi, về tùy thích;  lúc nào cũng được. Rừng đặc dụng ngập nước Tràm Chim có diện tích 7.588 ha; nơi cư trú của hơn 100 loài động vật có xương sống, 147 loài chim nước,. 55 loài cá. Trong đó có 13 loài chim quí hiếm của thế giới, đặc biệt là chim hạc, còn gọi là sếu đầu đỏ hay sếu cổ trụi. Tràm Chim có 130 loài thực vật đơn thuần hoặc đan xen, tạo thành những quần xã đặc trưng. Quần xã thực vật nào thì có động vật tương ứng đó. Nhiệm vụ vườn là bảo tồn các loại động thực vật bản địa, các nguồn gen quí hiếm.

Tràm Chim bạt ngàn tràm nước, loại thân gỗ dùng trong xây dựng, thường gọi là cừ tràm, người xưa gọi là bách bì. Do tác động của con người, rừng tràm nguyên sinh biến mất, chỉ còn tràm trồng nhưng được bảo tồn tự nhiên hàng chục năm nên thành rừng. Tràm Chim ngang dọc kênh rạch, dài gần 60 km để điều tiết nước và chống cháy. Tôi đã đến U Minh thượng và hạ. Tràm ở đây không nhiều, chưa già bằng nhưng màu xanh trĩu mắt; đan xen những cánh đồng cỏ năng, cỏ ống, cỏ mồm, lác, lúa ma, nghễ, sen, súng…Rộng nhất là đồng cỏ năng, gần 3.000 ha, gồm năng kim, năng ống,, cỏ ống, cỏ chỉ, hoàng đầu ấn, súng ma, rong đuôi chồn, nhĩ cán vàng…thích hợp với các loài sếu, cò trắng, cò lép, trích, vịt trời, le khoang cổ, diệc lửa, diệc xám…Đồng cỏ ống, gần 1.000 ha đan xen cỏ sả, cỏ chỉ, lúa ma; là nơi kiếm ăn của công đất, sơn ca, sẻ bụi, cú, trảu đầu hung, già đãy, trích đầm lầy, giang sen, chiền chiện…Đồng lúa ma, nhà bếp của các loài chim nước, rộng gần 900 ha, đan xen cỏ bắc, cỏ ống, cỏ chỉ còn lúa ma đơn thuần chỉ gần 50 ha. Lúa ma còn gọi là lúa trời bởi tự mọc, chẳng ai gieo trồng mà xanh mướt; nước lên tới đâu, lúa mọc vượt nổi lên tới đó. Lúa chín ban đêm, mặt trời lên là rụng. Gặt lúa phải đi khuya. Lấy xuồng ba lá, căng đệm lác hai bên, dùng cần tre đập cho lúa ngã và rớt hạt vào xuồng. Lúa trời khó tính, mỗi bông chỉ vài hạt chắc nên quí hiếm và dinh dưỡng rất cao. Hạt lúa trời dài, nấu cơm chín có màu hồng phớt, vị ngọt thanh và béo dịu. Cơm và bánh xèo lúa trời là đặc sản Đồng Tháp. Nước cơm lúa trời pha mật ong tràm thì Viagra cũng không sánh kịp.

Động vật nổi tiếng nhất của Tràm Chim là sếu, loài chim từng xuất hiện hơn 60 triệu năm trước, có mặt khắp các châu lục. Họ chim kiếm ăn vùng ngập nước đều làm tổ trên cây. Còn họ nhà sếu chỉ làm tổ trên mặt đất vì ngón chân út ngắn lại cao hơn mấy ngón khác nên sếu không thể đậu trên cây. Sếu là họ nhà chim cao nhất, có con cao tới 1,5 mét và nặng từ 6 – 8 kg. Hình như Sếu cũng biết “kế hoạch hóa” gia đình nên mỗi năm chỉ đẻ 2 trứng. Sếu con, nửa ngày sau khi chui từ vỏ trứng ra là có thể tập tẽnh đi kiếm ăn với ba mẹ. Sếu trưởng thành, nhảy múa vào mùa xuân để kết đôi, rất chung thủy. Vũ điệu sếu đầu đỏ là tuyệt tác giữa bức tranh thiên nhiên hoàn hảo. Chỉ khi nửa này mất, nửa kia mới đi bước nữa. Khi bay, cổ và chân sếu duỗi thẳng, tiếng kêu vang xa vài cây số. Thức ăn của sếu là cóc, nhái, côn trùng và củ năng mọc trên bãi cạn. Ăn no, sếu mới tìm đến các đầm nước để uống và tắm. Sếu đầu đỏ ở Tràm Chim là loài cực kỳ quí hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới.

Đến Tràm Chim như gặp lại Đồng Tháp Mười thủa hoang sơ mở cõi. Cứ tha hồ mở toang lồng ngực, hít thở không khí trong lành để rửa phổi và rửa mắt bằng màu xanh của cỏ cây sông nước. Rửa mũi bằng hương đất nồng nàn, hương tràm mê hoặc. Nhiều loài chim nước, gặp người vẫn làm lơ, tự nhiên kiếm ăn, chẳng thèm chào khách lạ. Hay là vì mình vào nhà chúng mà chưa xin phép? Có con còn biểu diễn tài nghệ lao vút từ không trung, phóng thẳng xuống mặt nước bắt mồi. Có con đảo quanh tò mò, có con vô tư nhảy múa, ồn ào tám chuyện sông nước hay ríu rít tâm tình…Tôi khoái nhất là chèo xuồng nhỏ vào xem chim đẻ. Cả rừng chim lao xao, chẳng hiểu chúng nói gì. Tổ chim cứ san sát, to nhỏ khác nhau, đen kịt. Cứ như chúng thích ở gần để tắt lửa tối đèn có nhau? Chúng nghịch ngợm ị cả lên đầu khách quí. Có con ráng tặng ngay vị khách đang há hốc miệng ngạc nhiên cả “bầu tâm sự” chim, kỷ niệm nhớ đời. Xóm chim có mùi hơi nặng, vẫn không át được hương tràm. Có ai đó sửa lời bài hát của Vũ Hoàng, thơ Đỗ trung Quân; khẽ khàng trong gió “Tam Nông (thật ra là U Minh) bốn bề là tràm. Chẳng biết tháng nào nở hoa. Mà hương thơm tựa như bốn mùa. Ướp mật vào hơi em thở…”

Đến Tràm Chim, tôi khoái nhất là trò chia phe tập làm nông dân. Nhóm đi hái bông súng, bông điên điển, bẹn sen (lá sen non) và các loại rau hoang. Nhóm giăng câu, chài lưới, đặt lờ, đặt lọp…Thú vị nhất là nhóm săn chuột. Nước ngập đất, chuột rời hang, làm tổ trên cây. Cứ rung cho chúng nhảy xuống nước. Chuột nín thở, lặn sâu xuống đáy. Ai dè nước trong veo, nên thấy rõ mồn một, cứ chọn cách phù hợp mà thộp từng đứa. Các nhóm hẹn giờ về thi nhau trổ tài chế biến chiến lợi phẩm. Dĩ nhiên phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia tại chỗ. Nào cá lóc nướng trui, cuốn bẹn sen thay bánh tráng. Nào cá rô chiên giòn, cá chạch nướng dầm me và cá linh 7 món. Bữa sau thì gà nướng than, rắn xào xúc bánh tráng và chuột 5 món. Ăn no vẫn không muốn dậy, cành hông mà vẫn thèm. Chuột Đồng Tháp mắc hơn cả chim cút và bồ câu, còn chất lượng thì ăn đứt. Tối nhóm lửa hát ca, lang thang ngắm trăng rất lạ giữa rừng quen rồi chui vào mùng tập thể. Nghe muỗi vo ve, nghe cây thầm thì, nghe cá nhảy lách tách và nước rì rào vỗ về giấc ngủ vô thường.

Tôi cũng thích đi chân đất, lội nước bì bõm, leo lên lầu nghinh phong cao hơn 20 mét, đón bình minh và đợi hoàng hôn. Đẹp đến sững sờ. Hoặc dùng ống dòm ngắm toàn cảnh Tràm Chim, cực kỳ ấn tượng. Tôi bỗng ghen tị với học trò. Bởi các em quá hạnh phúc và sung sướng, được sống và làm việc giữa thiên nhiên giàu có, trong lành. Được làm bạn với chim muông cây cỏ và hiểu được ngôn ngữ riêng của chúng. Tôi thèm, rất thèm được như các em Ngọc Huyền, Tiến Khoa và nhiều bạn bè tại đó. Nhất định phải trở lại và ở lâu hơn. Bởi Tràm Chim đến một lần là nhớ, ghé lần sau là ghiền…

 *Nguyễn Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dã Ngoại Lửa Việt

 

Nguồn: VISTA