Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập 7 khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang, với 222,7 ha mặt nước. Việc xây dựng các khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang không chỉ giúp ngư dân có thêm thu nhập từ hoạt động khai thác các nguồn lợi thủy sản mà con nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên - Huế, đây là hướng đi đúng trong chương trình bảo tồn đa dạng sinh học gắn với sinh kế của cộng đồng trong hệ đầm phá Tam Giang rộng chừng 22.000 ha của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Các chi hội nghề cá tại địa phương được giao nhiệm vụ quản lý cho biết, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong việc làm giàu nguồn lợi thủy sản trong khu vực được khoanh vùng bảo vệ. Tuy nhiên, để tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", việc xây dựng nguồn tài chính bền vững gắn với các khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang hiện nay đang là mối quan tâm hàng đầu. Theo chi hội nghề cá ở các địa phương, nguồn tài chính cho các khu bảo vệ thủy sản cần được huy động từ nhiều nguồn như: Ngân sách Nhà nước, tài trợ của các tổ chức quốc tế và đóng góp của cộng đồng…; trong đó, Nhà nước và các tổ chức quốc tế đóng vai trò hỗ trợ, còn lại nguồn vốn do cộng đồng đóng góp từ những hoạt động sinh lợi tại các khu bảo vệ thủy sản là chủ yếu. Tuy nhiên, ban đầu, sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng hạ tầng cho các khu bảo vệ thủy sản có vai trò hết sức quan trọng.
Khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) có diện tích khoanh vùng bảo vệ là 40 ha. Theo giao ước chung, cấm tuyệt đối mọi người không được khai thác dưới mọi hình thức ở khu vực này. Khu bảo vệ thủy sản hình thành giao cho cộng đồng bảo vệ quản lý trên cơ sở từ sự quan tâm lớn của tỉnh và sự tài trợ kinh phí của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước thông qua hội nghề cá tỉnh. Tại đây có 387 hộ ngư dân sống dựa vào đầm phá, với các nghề như khai thác, nuôi trồng, đánh bắt nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên đầm phá, kể cả việc đánh bắt mang tính hủy diệt, làm hạn chế sự phát triển của các loài thủy sản, gây cản trở dòng chảy... Từ khi xây dựng mô hình quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là sau khi được sự hỗ trợ Chính phủ Đan Mạch trong dự án phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, chính quyền và ngư dân xã Quảng Lợi đã ủng hộ và tích cực tham gia các hoạt động quản lý nhằm xây dựng hình thành mô hình quản lý cộng đồng, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản phù hợp trên địa bàn.
Theo đó, mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng với nhóm đồng quản lý ở xã Quảng Lợi gồm 5 thành viên: cán bộ ban quản lý của chương trình cấp tỉnh, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện và Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi. Nhóm quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng có nhiệm vụ quan hệ chặt chẽ và thường xuyên với cộng đồng... Trong quá trình hoạt động, mô hình quản lý nói trên đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là có sự chia sẻ quyền lực trong việc quản lý nguồn lợi tự nhiên giữa chính quyền và cộng đồng ngư dân thông qua việc thành lập các chi hội nghề cá và các quy chế, quyết định được pháp lý hóa dựa trên lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích của cá nhân trong việc sử dụng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá. Khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ nhờ vậy mới ra đời trong một thời gian ngắn nhưng đã mang lại hiệu quả, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã có hơn 300 nghìn người dân sống trong các khu bảo vệ thủy sản có nguồn thu nhập ổn định, nhờ nguồn lợi thủy sản đầm phá Tam Giang dần dần được phục hồi tốt, môi trường sinh thái được cải thiện.