Sau thành công của dự án “Khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi sá sùng tại xã Minh Châu, huyện Vân Đồn” kết thúc vào năm 2009, Quỹ môi trường toàn cầu, chương trình tài trợ các dự án nhỏ ở Việt Nam (GEF SGP) tiếp tục hỗ trợ cho Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường biển nhằm phát triển du lịch sinh thái biển tại xã Minh Châu, Vân Đồn”.
Tuy đây là một dự án nhỏ nhưng đã tác động tích cực đến sự nhận thức và hiểu biết của chính quyền và người dân xã Minh Châu trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững...
Là một trong 5 xã thuộc tuyến đảo của huyện Vân Đồn, Minh Châu có nhiều lợi thế về cảnh quan tự nhiên để phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Minh Châu nằm trong vũng lõi của Vườn quốc gia Bái Tử Long, nơi có bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn trải dài, không gian yên tĩnh và khí hậu biển đảo đặc trưng cho vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá tiềm năng này chưa được khai thác có hiệu quả. Hiện nay, khách du lịch đến Minh Châu phần lớn là khách nội địa, thường đến vào mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9), chủ yếu là tắm biển, nghỉ ngơi và ngắm cảnh quan, vì ở đây chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù. Bên cạnh đó, phát triển du lịch ở Minh Châu vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu tính định hướng. Thêm nữa, việc nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường cho sự phát triển bền vững của hoạt động sinh thái cộng đồng còn nhiều hạn chế.
Những năm gần đây, Minh Châu đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, lượng khách du lịch đến Minh Châu liên tục tăng. Ông Nguyễn Thành Sang, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, cho biết, nếu như năm 2011 có khoảng 5.000 lượt du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại địa phương thì 9 tháng đầu năm nay đã có khoảng hơn 2 vạn du khách đến Minh Châu, trong đó có khoảng gần 1 vạn khách lưu trú tại đây. Việc phát triển du lịch cũng đã góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội ở địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng, đời sống người dân. Nếu như trước đây, người dân xã đảo chủ yếu chỉ biết đánh bắt hải sản thì bây giờ nhiều hộ dân cũng đã biết làm du lịch. Tuy nhiên, với sự phát triển du lịch như hiện nay, nếu các loại hình dịch vụ du lịch không được quan tâm đầu tư sẽ không đáp ứng được việc bùng phát lượng khách tới Minh Châu trong một vài năm tới. Áp lực từ việc gia tăng lượng khách đến hàng năm và nhu cầu sử dụng các dịch vụ du lịch sẽ gây một sức ép lớn với cộng đồng Minh Châu khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự phát triển ồ ạt này. Trong khi tốc độ phát triển các loại hình dịch vụ và phát triển cơ sở hạ tầng luôn chậm hơn so với sự gia tăng số lượng du khách đến Minh Châu hàng năm. Việc không có điện, không có bãi rác và không có hệ thống tiêu thoát và xử lý nước thải là những khó khăn lớn nhất tại xã đảo này. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho chính quyền và người dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên cho việc phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn công viên Vạn Cảnh (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) tuyên truyền cho bà con ngư dân ở làng chài Ba Hang, Hoa Cương nội dung Chỉ thị 11/CT-UBND
Nâng cao nhận thức cho chính quyền và người dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên cho việc phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường biển nhằm phát triển du lịch sinh thái biển tại xã Minh Châu, Vân Đồn” được Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện từ tháng 1-2012, dự kiến đến tháng 12 năm nay sẽ kết thúc. Mục tiêu của dự án nhằm góp phần bảo vệ môi trường biển và khai thác bền vững tài nguyên để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, trong đó hoạt động thu gom rác thải, vệ sinh môi trường là một trong những hoạt động ưu tiên hàng đầu của dự án. Qua hơn 9 tháng triển khai thực hiện, dự án đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng, cách thu gom và xử lý chất thải, giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Dự án cũng đã triển khai xây dựng được mô hình các nhà nghỉ cộng đồng, hiệu ăn nông thôn, dịch vụ cho thuê xe đạp, câu cá giải trí phục vụ du lịch. Thời gian vừa qua, với sự vận động của dự án cùng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Minh Châu, bãi chứa rác ở thôn Nam Hải, xã Minh Châu đã được ủi phẳng, tạo bờ và san lấp. Bãi tập kết rác này có thể chứa được lượng rác xả thải của Minh Châu trong khoảng thời gian từ 3-5 năm. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là một giải pháp bền vững, về lâu dài, cần tìm ra biện pháp xử lý tại chỗ hoặc di chuyển đi nơi khác xử lý. Ngoài ra, dự án còn thử nghiệm mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện và thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời cho các hộ kinh doanh du lịch, phục vụ đời sống người dân khi xã đảo chưa có điện lưới quốc gia. Đồng thời tham gia hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất thấp để trồng rau an toàn, nuôi tu hài… Hiện nay, dự án cũng đang triển khai thực hiện xây dựng mô hình bảo tàng lưu giữ những vật dụng truyền thống, công cụ sản xuất, đời sống văn hoá của người dân địa phương trên cơ sở sửa sang lại ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng cũ của địa phương để trưng bày các nông cụ và vật dụng cổ truyền như: mô phỏng tàu, thuyền, chài, lưới, khai thác sá sùng… Khi bảo tàng hoàn thành, du khách đến tham quan sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh sống động về đời sống, phong tục cổ truyền của người dân xã đảo qua các hiện vật sinh động.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện triển khai dự án, kinh phí hỗ trợ các hộ dân tham gia dự án còn hạn chế nhưng dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường biển nhằm phát triển du lịch sinh thái biển tại xã Minh Châu, Vân Đồn” bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức cho chính quyền người dân nơi đây về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên cho việc phát du lịch. Đặc biệt giúp người dân biết cách làm du lịch và phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn trên cơ sở kế thừa các lợi thế có sẵn và văn hoá địa phương.
Thu Nguyên