Du lịch xanh: Chìa khóa của du lịch bền vững

Cập nhật: 04/10/2012
Việt Nam có bờ biển dài cùng một hệ thống vịnh, đảo, san hô và rừng ngập mặn phong phú, nhưng hệ sinh thái biển đảo của chúng ta đang bị suy thoái vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển không theo quy hoạch và xả nước thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý.

 

Mong ít khách?

 

Số lượng khách du lịch đến với khu vực Đông Nam Á trong hai mươi năm qua thường đạt mức tăng đều đặn trung bình khoảng 10%/năm. Nếu năm 2001 có hơn 40 triệu lượt khách trong khu vực thì năm 2011, con số này là 81,2 triệu.

Trong đó, số lượng khách du lịch nội khối đến từ các quốc gia ASEAN chiếm tỷ lệ 46,5%, từ các quốc gia châu Á khác chiếm 27,6% và từ châu Âu, Mỹ, Úc chiếm khoảng 21%.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đóng góp một phần đáng kể cho kinh tế các nước trong khu vực. Năm 2010, doanh thu từ ngành du lịch của các quốc gia ASEAN đạt hơn 62,5 tỉ USD, tăng gần 10 tỉ USD so với năm 2009.

Sự phát triển của du lịch giúp cho một số vùng ở các quốc gia Đông Nam Á thoát nghèo. Ngành du lịch cũng giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, hỗ trợ địa phương trong lĩnh vực giáo dục và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng có hai mặt và du lịch cũng vậy.

Cùng với dòng tiền chảy vào là những nguy cơ như ô nhiễm, cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá và văn hóa bản địa bị biến đổi. Các bãi biển hoang sơ, những cánh rừng nguyên thủy, các lưng đèo lộng gió của các quốc gia Đông Nam Á bây giờ đều in dấu chân các nhà đầu tư, các hãng lữ hành và khách du lịch. Resort, khách sạn mọc lên từ bãi biển đến lưng đồi, từ thành phố đến rừng núi kéo theo đó là những vấn đề như phá rừng, chất thải, khói bụi…

Chắc hẳn cũng có nhiều người như Pinporn Teerarak, nhìn thấy khách du lịch là tươi cười hớn hở, mời chào luôn miệng, nhưng khi ngồi một mình, trong thâm tâm chị lại cho rằng đông khách thế này môi trường không thể nào tốt được. Từ cửa hàng nhìn thẳng ra bãi biển Paton, chị mơ về vịnh Phang nga, quê nhà chị, nơi chị thấy thật may mắn vì ít du khách hơn và vẫn giữ được vẻ hoang sơ.

Nhiều nhà quản lý du lịch hiện nay của khu vực Đông Nam Á cũng nghĩ đến chiến lược ít khách. Ở Thái Lan, ông Nalikatibhag Sangsnit, Giám đốc tổ chức Các khu vực Du lịch Bền vững nhận xét:

“Thái Lan không nên tập trung vào việc tăng số lượng du khách nữa. Thay vào đó, chúng ta nên nghĩ đến việc làm sao để du khách ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Việc tăng số lượng du khách sẽ có một nguy cơ tiềm ẩn, đó là khiến cho môi trường chịu nhiều tác động xấu”.

Tuy nhiên, phương cách này chưa chắc giúp làm giảm số lượng khách du lịch. Singapore có thể là một ví dụ. Giá dịch vụ và các mức giá du lịch của Singapore rất đắt đỏ nếu so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Với 100 USD, bạn chỉ có thể ở một phòng khách sạn 10m2 trong khu China Town của Singapore, nhưng cũng với số tiền này, người ta có thể ở trong khu resort bốn sao của Thái. Vậy mà lượng khách du lịch đến Singapore năm 2011 vẫn tăng gần 14% so với năm 2010, đứng thứ 4 trong khu vực.

 

Cần nâng cao nhận thức

 

Có một thực tế khó thay đổi là nhu cầu đi du lịch sẽ ngày càng tăng chứ không giảm. Mức sống được cải thiện dần theo thời gian sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để ai cũng có thể khám phá thế giới và nâng cao hiểu biết của mình.

Trước nhu cầu này, theo bà Chutathip Chareonlarp, Giám đốc đại diện của Ủy ban Du lịch Thái Lan tại Việt Nam, du lịch xanh là một trong những chìa khóa để phát triển du lịch một cách bền vững.

Du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm là những cách gọi khác nhau nhưng có ý nghĩa gần giống nhau trong cách thức tham quan nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương.

Tận dụng thế mạnh biển và rừng núi của mình, nhiều nước Đông Nam Á đưa ra những sản phẩm du lịch xanh như tham quan các khu bảo tồn, ngắm chim, cùng sống với người dân địa phương, tham quan bằng xe đạp, trồng cây, lặn biển ngắm san hô và cá, thưởng thức cây và hoa, thám hiểm rừng, chinh phục thác nước…

Khi tham gia các tour du lịch này, khách du lịch được khuyến khích hòa nhập với thiên nhiên, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương mà không gây bất cứ tác động gì đến môi trường.

Thái Lan là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về những ý tưởng làm du lịch xanh. Tháng 5/2012, Thái Lan được trao giải thưởng của Tổ chức Du lịch Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho chiến dịch 7 Green Tourism.

Trong chiến dịch này, Ủy ban Du lịch Thái Lan nâng cao nhận thức, hiểu biết về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch, từ các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi đến khách du lịch. Theo bà Chutathip, người Thái đã triển khai làm du lịch xanh từ lâu và giải thưởng này là kết quả cho sự nỗ lực của ngành du lịch của Thái Lan.

Làm du lịch xanh không chỉ là đưa ra những sản phẩm du lịch dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có mà còn có thể là sáng tạo ra màu xanh này. Singapore tiêu biểu cho khuynh hướng tạo ra du lịch xanh. Đây không phải là một quốc gia giàu tài nguyên nhưng họ tạo ra màu xanh cho mình bằng cách trồng cây xanh khắp nơi, thậm chí trồng cả cây xanh nhân tạo.

Vườn cây Garden By the Bay của Singapore đã tạo được các “siêu cây” cao từ 22-50 mét, có khả năng tổng hợp năng lượng mặt trời, nhận nước mưa, lọc không khí và có hệ thống quang điện để chuyển ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện. Vườn cây này vừa khai trương vào tháng 6-2012 và dự tính có thể đón đến 5 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

 

Để màu xanh bền vững

 

Những người làm du lịch có thể nghĩ ra nhiều phương cách, nhưng để du lịch thật sự được bền vững, trước tiên những người đi du lịch cần phải có kiến thức và tình yêu với thiên nhiên.

Hiện nay, hầu như chỉ có du khách đến từ các nước phương Tây là quan tâm đến du lịch xanh nhưng lượng khách này chỉ chiếm khoảng 20% khách du lịch của khu vực Đông Nam Á. Khách du lịch nội vùng mới chiếm tỷ lệ đáng kể (gần 50%). Thế nhưng, nhóm đối tượng này lại chưa hiểu biết nhiều và cũng chưa hứng thú mấy với du lịch xanh.

Người dân của các nước đang phát triển ngày càng đi du lịch nhiều hơn, nhưng họ đang ở trong giai đoạn đi để biết chứ chưa phải là đi để thưởng thức và đem đến những điều tốt đẹp hơn cho nơi mình đến tham quan.

Điều này có thể quan sát thấy trong các tour của Việt Nam đưa khách đi nước ngoài. Đối với nhiều khách, đi du lịch là đi vài ngày cho biết, chụp ảnh, mua sắm, tắm biển, ăn uống… Ý thức với môi trường chỉ cần thể hiện qua việc không vứt rác bừa bãi là được.

Một trong những tour du lịch xanh nổi bật của Việt Nam là tour du lịch tham quan rừng ngập mặn Vàm Sát - Cần Giờ. Đây được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới nhưng cũng chỉ có khách Nhật, khách Úc là thật sự hứng thú với vườn chim, sông nước, còn khách Việt thì ngáp lên ngáp xuống vì chán.

Thậm chí có đoàn khách còn xách theo…chai rượu ngồi lai rai trong lúc chờ bọn trẻ con xem dơi. Muốn làm tốt du lịch xanh thì người tham gia du lịch phải cảm nhận được tình yêu với màu xanh và với môi trường. Hiểu được cảm giác hạnh phúc ngập tràn khi đứng trước thiên nhiên hùng vĩ thì mới có động lực để gìn giữ thiên nhiên.

Từ phía các nhà quản lý, một chiến lược phát triển du lịch bền vững đi kèm với những biện pháp đánh giá, kiểm tra cụ thể là điều cần thiết. Hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á đã có chiến lược phát triển du lịch đến năm 2015, trong đó nhấn mạnh đến phát triển du lịch bền vững và các tiêu chí xanh, sạch của điểm đến du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Eddy Krismeidi Soemawilaga, người phụ trách của Ủy ban Cơ sở hạ tầng, Ban thư ký ASEAN, việc thực hiện các tiêu chí này chỉ dựa trên nguyên tắc sự tự nguyện của mỗi quốc gia chứ chưa có biện pháp bắt buộc. Những tiêu chí này còn tiếp tục được cân nhắc và sẽ hoàn thiện vào năm 2015.

ASEAN sẽ có những chương trình tập huấn nhằm giúp các điểm đến đạt được các tiêu chí du lịch bền vững trong tương lai.

(Bài viết thực hiện theo chủ đề Tường thuật Các vấn đề phát triển trong khối ASEAN của tổ chức IPS Asia - Pacific do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế IRDC hỗ trợ). 


Thanh Lê

Nguồn: DNSGCT