Gắn kết du lịch xanh với bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường, đồng thời đóng góp vào sự phát triển xã hội của địa phương là mô hình mà khu du lịch sinh thái Việt-Pháp Vịt Cổ Xanh (La Ferme du Colvert) đang triển khai tích cực nhằm xây dựng thương hiệu cho khu nghỉ dưỡng xinh đẹp nằm trên vùng đất đậm đặc bản sắc văn hóa Mường.
Nằm cách Hà Nội chừng 45km, tại xã Cự Yên, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), khu sinh thái Việt-Pháp Vịt Cổ Xanh mang trong mình kiến trúc hài hòa của nét đẹp tự nhiên và truyền thống Việt, hòa quyện với phong thái Pháp trang nhã.
Đi vào hoạt động từ năm 2004, “La Ferme du Colvert” Vịt Cổ Xanh Resort là một resort spa thiên nhiên trên mảnh đất Mường.
Tọa lạc ở trung tâm khu resort rộng 25 ha là tòa nhà Phong lan sang trọng và lịch lãm, được xây dựng theo phong cách nhà sàn Việt Nam kết hợp với kiến trúc nhà vùng Côte d’Azur, miền Nam nước Pháp, quê hương của chồng bà An Trần Chassedieu, chủ nhân trang trại Vịt Cổ xanh.
Nằm rải rác trên các sườn đồi, thấp thoáng sau những khu vườn xanh mướt, bên cạnh một hồ nước với cái tên giản dị Đập Đom là 12 khu nhà xinh xắn, mộc mạc nhưng không kém phần duyên dáng, mang đậm dấu ấn của vùng miền núi và đồng bằng Bắc Bộ.
Vịt Cổ Xanh Resort đã biết tận dụng triệt để lợi thế do thiên nhiên ban tặng như ao, hồ, đồi, suối, những cánh rừng nơi cỏ cây chen lá để khoác lên mình vẻ đẹp hoang sơ. Một con đường đất, một triền đê, tiếng mõ trâu, tiếng suối róc rách, cái cọn nước ... những hình ảnh về cuộc sống thanh bình của người dân xứ Mường đã mê hoặc mọi du khách trong và ngoài nước đến đây.
Bà An Trần Chassedieu tâm sự: “10 năm trước Vịt Cổ Xanh Resort đã được xây dựng bắt đầu từ tình yêu thiên nhiên và tình yêu giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Sau những ồn ào của cuộc sống tại Pari, vợ chồng tôi đều muốn hòa mình vào thiên nhiên, chúng tôi tìm thấy điểm chung là hình ảnh con vịt vừa thân quen với người nông dân Việt Nam, vừa là gợi nhớ phong cảnh thanh bình của các vùng quê nước Pháp, chính vì vậy chúng tôi đã xây dựng trang trại này và đặt tên nó là Vịt Cổ Xanh.”
Theo bà An Trần Chassedieu, mô hình du lịch sinh thái đưa con người đến với thiên nhiên, lúc đầu phục vụ chủ yếu là du khách quốc tế. Tuy nhiên sau 10 năm hoạt động, Vịt Cổ Xanh Resort đã trở nên quen thuộc hơn với người dân trong nước. Khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời là địa điểm lý tưởng để tổ chức các cuộc dã ngoại, hoạt động thể thao ngoài trời, hay những kỳ nghỉ ấm cúng cuối tuần cho gia đình, người thân và bạn bè. Văn hóa Mường và ẩm thực Pháp
Bên cạnh việc khai thác du lịch sinh thái, Vịt Cổ Xanh Resort còn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Mường thông qua việc tổ chức các festival Mường và gala diner. Các tiết mục văn nghệ như biểu diễn cồng chiêng, hát, múa sạp mà diễn viên là những người dân địa phương hàng ngày vẫn chân lấm tay bùn là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể.
Các hoạt động này được chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế ủng hộ và khuyến khích. Trên thực tế, Vịt Cổ Xanh Resort đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế như OXFAM, JICA, WWF, đặc biệt là UNESCO để tổ chức một số hội nghị chuyên đề về văn hóa và sinh thái.
Vịt Cổ Xanh Resort còn mở ra hướng phát triển mới là tôn vinh văn hóa ẩm thực xứ Mường. Ngày 6/10 vừa qua, du khách đến thăm Vịt Cổ Xanh Resort đã được thưởng thức sự tinh tế của ẩm thực Pháp với những món ăn cao cấp, thực đơn của khách sạn 5 sao, do chính “ông Tây nước mắm” Didier Corlou, chế biến từ những nguyên liệu bình dân như vịt, trứng, cốm, măng ... do trang trại cung cấp.
Đây là lần hợp tác đầu tiên giữa vị bếp trưởng nổi tiếng người Pháp, người đã quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới và đang lên kế hoạch cho việc quảng bá cho ẩm thực xứ Mường bằng cách tổ chức các sự kiện tương tự vào các dịp Noel, Tết, lễ hội... và tổ chức một lớp dạy tinh hoa nghề bếp cho các học viên là người địa phương.
Không dừng lại ở đó, Vịt Cổ Xanh Resort còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội phát triển cộng đồng tại địa phương như phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức các lớp huấn luyện cho người dân về kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, khả năng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí...
Về các kế hoạch trong tương lai, bà An Trần Chassedieu chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tổ chức vào ngày 3/11 tới đây hành trình xe đạp Việt Nam-Lào (Hà Nội-Điện Biên Phủ-Luang Prabang-Vientiane), tiếp đó là cuộc chạy Marathon vì mục đích bảo vệ môi trường - Một dự án thể thao được thực hiện từ 10 năm nay với sự hợp tác của Liên đoàn Xe đạp và Thể thao Pháp và đã thu hút sự tham gia của hàng trăm vận động viên Pháp. Bên cạnh đó, cần kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm tổ chức các các khóa học nấu ăn, dệt, đan, thêu ren, múa, võ thuật, làm vườn... cho nhân viên làm việc trong Resort và người dân địa phương.”
Các dự án dù là với mục đích kinh doanh hay mang ý nghĩa xã hội đều đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa từ những người đã biến vùng đất nghèo bán sơn địa thành khu du lịch thân thiện và cởi mở với thiên nhiên, những người hiện vẫn còn ấp ủ nhiều dự định táo bạo nhằm xây dựng khu resort ngày càng đẹp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên cho du khách và phát triển cộng đồng cho người dân địa phương../.