Thừa Thiên - Huế: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong các làng nghề

Cập nhật: 18/10/2012
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là nội dung đợt tập huấn cho các cơ sở sản xuất của các làng nghề ở Thừa Thiên - Huế. Tại đây, học viên trong các làng nghề được giới thiệu tổng quan về hiện trạng môi trường làng nghề Việt Nam và Thừa Thiên - Huế, được hướng dẫn các thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, với các đề án bảo vệ môi trường đơn giản, chi tiết...

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 64 làng nghề truyền thống trong số 80 làng nghề. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những chính sách như tiến hành quy hoạch cụm làng nghề, triển khai những biện pháp trong phát triển làng nghề để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do chưa được triển khai  một cách đồng bộ, nhất quán, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn thường xuyên xảy ra. Tình trạng ô nhiễm khí thải, tiếng ồn, chất thải... của một số làng nghề ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng cư dân quanh vùng. Việc triển khai các giải pháp xử lý môi trường ở các làng nghề sẽ góp phần giúp Thừa Thiên - Huế phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo môi trường cuộc sống xanh sạch đẹp.

Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các làng nghề. Thành phố Huế nổi tiếng với làng nghề đúc đồng ở phường Phường Đúc và Thủy Xuân, nhưng các cơ sở đúc đồng này đều nằm xen kẽ trong các khu dân cư, lại sản xuất thủ công, máy móc cũ và lạc hậu nên môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm khói bụi và khí thải độc hại, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Làng nghề đúc đồng phường Phường Đúc và Thủy Xuân là một trong những điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nằm trong diện buộc phải xử lý theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ tháng 12/2011 đến nay, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai xây dựng mô hình xử lý khói, bụi, khí thải độc hại tại cơ sở làng nghề đúc đồng của Phường Đúc và Thủy Xuân. Việc thực hiện mô hình này bước đầu đã hạn chế được khói bụi khi đốt lò sản xuất sản phẩm. Sắp tới, mô hình điểm này sẽ nhân rộng cho 61 hộ tham gia sản xuất đúc đồng trên địa bàn, góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường trong khu vực của làng nghề.

Ở làng bún Vân Cù (xã Hương Toàn, huyện Hương Trà) nước thải từ các lò bún chảy lênh láng ra các kênh mương, vườn tược, kéo theo là mùi hôi chua nồng nặc, ô nhiễm môi trường hết sức nặng nề. Để giải quyết bài toán ô nhiễm ở làng bún Vân Cù, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định đầu tư 5,3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, với việc xây dựng mới 10 tuyến mương có nắp đậy bê tông cốt thép thu gom nước thải tại 10 xóm trên địa bàn với tổng chiều dài 3 km. Tại mỗi điểm thu của tuyến mương, có một hệ thống lắng chìm để xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra sông Bồ. Cùng với đó, để đảm bảo thu gom và xử lý, tại mỗi hộ gia đình sẽ xây dựng hầm biogas, hồ sinh học và tuyến mương nhỏ dẫn nước từ các hộ đấu nối vào hệ thống mương chung. Sau khi hoàn thành, chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm ở làng Vân Cù sẽ được cải thiện đáng kể...

Nguồn: monre.gov.vn