Sáng ngày 16/12/2012, tại khách sạn Hòa Bình, huyện đảo Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Kiên Giang - Việt Nam”. Theo TS. Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, hệ sinh thái rừng ngập mặn có tầm quan trọng to lớn đối với khu DTSQ Kiên Giang.
Khu DTSQ Kiên Giang được UNESCO công nhận ngày 27/10/2006 tại kỳ họp thứ 19 của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển. Đây là khu DTSQ lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích là 1.188.105 ha. Khu DTSQ Kiên Giang bao gồm 10 huyện, thị thành phố; không gian rộng, kết nối với Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng, VQG Phú Quốc, Khu bảo tồn biển Phú Quốc, Khu rừng bảo vệ cảnh quan Kiên Lương và đai rừng ngập mặn ven biển Tây.
Hội thảo đã thu hút trên 200 đại biểu, các nhà khoa học nghiện cứu về tham dự với trên 45 báo cáo trình bày tại Hội thảo tập trung phân tích thành 4 nhóm chuyên đề bao gồm: Phân tích giá trị, bảo tồn và phát huy phục vụ phát triền bền vững khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang; bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên đảo Phú Quốc; bảo tồn và kết hợp phát huy, khai thác các giá trị khu dự trữ sinh quyển phục vụ phát triển kinh tế du lịch; kinh nghiệm quản lý, sinh kế bền vững và nâng cao nhận thức cộng đồng trong khu dự trữ sinh quyển. Mục tiêu lớn nhất của Hội thảo là làm sao tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển kinh tế tại địa phương.
Đại diện Ủy ban Sinh quyển và Con người Việt Nam đã trao Giấy chứng nhận Khu DTSQ Kiên Giang cho Ban quản lý
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi nhấn mạnh: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động trực tiếp đến vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, việc bảo tồn hệ sinh thái, giảm thiểu tác hại thiên tai, đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững và an toàn cần phải được cả cộng đồng xã hội chung tay. Qua Hội thảo này, Kiên Giang sẽ có được nhiều ý kiến đề xuất các chính sách, giải pháp, cách thức quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu DTSQ phù hợp nhằm phục vụ phát triển bền vững cho tỉnh Kiên Giang, trong đó có Phú Quốc. Kiên Giang sẽ đề ra được những định hướng hợp tác nghiên cứu, thực hiện công tác bảo tồn với các tổ chức trong và ngoài nước để kêu gọi, vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ, tài trợ đầu tư phục vụ việc bảo tồn, phát triển bền vững khu DTSQ Kiên Giang.
Thế Hạnh