Trước nguy cơ mai một những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, bà con dân tộc Ê đê và M’Nông trong huyện Krông Nô, đã từng bước phục hồi và tái tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhằm bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc bản địa.
Huyện miền núi Krông Nô nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đăk Nông, gồm 20 dân tộc anh em sinh sống. Hai dân tộc bản địa cư trú lâu đời tại đây là Ê đê Bih và M’Nông Prech, với tổng dân số hơn 6.500 người sinh sống tại 23 bon, buôn trên địa bàn huyện. Trước nguy cơ mai một những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và cơ quan văn hóa, bà con dân tộc Ê đê và M’Nông trong huyện Krông Nô, đã từng bước phục hồi và tái tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhằm bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc bản địa.
Tiết mục múa “Bình mình trên cao nguyên” của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông
Huyện đã triển khai một số dự án về phục hồi văn hóa vật thể, mời các nghệ nhân trong và ngoài huyện đến mở các lớp dạy cho thanh niên dân tộc Ê-đê, M’Nông dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, đan gùi, làm cây nêu (dùng trong lễ hội và cúng thần linh), hướng dẫn làm nhà sàn theo kiểu cách của bà con dân tộc Tây Nguyên… Qua tham gia các lớp tập huấn, bà con đã dần phục hồi các nghề truyền thống. Tại Bon O'l, xã Đăk DRô, 100% số hộ dân tộc M’Nông đã phục hồi nghề dệt thổ cẩm, mỗi gia đình đóng 1-2 khung cửi dệt vải. Những người được học các lớp do huyện tổ chức đã về Bon hướng dẫn thanh niên cách dệt các loại sản phẩm truyền thống. Ban ngày, phụ nữ ra vườn, lên rẫy chăm sóc cây trồng, ban đêm tranh thủ dệt vải làm các sản phẩm thổ cẩm. Tại Buôn Sức, xã Quảng Phú, đã có trên 95% số hộ gia đình Ê-đê có khung cửi dệt vải thổ cẩm.
Dưới sự hướng dẫn của những phụ nữ lớn tuổi và thanh niên học từ các lớp bồi dưỡng nghề dệt thổ cẩm do huyện tổ chức, đến nay chị em dân tộc Ê-đê, M’Nông nhiều bon, buôn trong các xã đã thành thạo nghề dệt thủ công, làm được các loại sản phẩm thổ cẩm thông thường như áo, váy, khăn choàng, áo gối, túi xách... mang đặc sắc văn hóa bản địa, đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình. Một số sản phẩm làm đẹp, đạt chất lượng tốt đang được ngành văn hóa huyện Krông Nô chọn đưa đi trưng bày tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Đối với đồng bào dân tộc Ê-đê, M’Nông mỗi khi tổ chức lễ hội là có âm thanh của cồng chiêng và có hoạt động văn nghệ cộng đồng. Nhưng trong một thời gian dài, các lễ hội truyền thống ít được quan tâm và hoạt động diễn tấu cồng chiêng cũng bị mai một dần, một số bài chiêng bị thất truyền, nghệ nhân biết đánh chiêng ngày càng ít, trong khi đó thế hệ trẻ lại ít biết đánh cồng chiêng. Văn hóa lễ hội mang tính chất phi vật thể và truyền khẩu chỉ lưu lại trong trí nhớ một số người cao tuổi. Hiện còn rất ít người hiểu biết đầy đủ về trình tự, hình thức tổ chức các lễ hội, phong cách diễn tấu cồng chiêng và múa hát trong lễ hội. Phòng văn hóa huyện Krông Nô đã cử cán bộ nghiệp vụ xuống cơ sở sưu tầm những bộ cồng chiêng của người dân tộc Ê-đê, M’Nông và các loại nhạc cụ dân tộc như đàn T’Rưng, đàn Goong, đàn Krông But, Đinh năm, Đinh pí… Qua việc tổ chức các lễ hội, ngành văn hóa huyện đã tìm hiểu các già làng, người cao tuổi, nghệ nhân về hình thức tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, phong cách diễn tấu cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc, cách biểu diễn các điệu múa, làn điệu dân ca, đồng thời ghi lại những văn bản và hình ảnh về hình thức tổ chức lễ hội, trang phục truyền thống… của bà con. Ngành văn hóa phối hợp với các xã tổ chức họp buôn, bon, lấy ý kiến đóng góp, lập kế hoạch hỗ trợ, tổ chức lễ hội trên cơ sở sự đồng thuận và tự nguyện của bà con.
Kết quả, trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã phục hồi và thường xuyên tổ chức được 10 lễ hội truyền thống tại các buôn, bon như lễ hội Sa Peng chu, lễ cầu mưa, cúng bến nước, lễ M’gắp Bon, mừng lúa mới, mừng cơm mới, vào nhà mới, lễ cúng sức khỏe, chúc phúc… Huyện còn mở được 19 lớp học đánh cồng chiêng, hát dân ca M’Nông, chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc với sự tham gia của nhiều nam, nữ thanh niên các bon, buôn. Qua quá trình học tập và thực hành, lớp thanh niên Ê đê và M’Nông đã quen dần việc đánh cồng chiêng và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc. Trong các lễ hội văn hóa truyền thống tại địa phương, hàng trăm thanh niên dân tộc đã tham dự một số buổi diễn tấu cồng chiêng, thu hút sự mến mộ của nhiều người.
Hiện nay, việc tổ chức lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số Ê đê và M’Nông tại Krông Nô đã đi vào ý thức của bà con. Một số lễ hội vừa và nhỏ mang tính chất gia đình, dòng họ và cộng đồng nhóm, đã được tổ chức thường xuyên tại nhà văn hóa cộng đồng của các bon, buôn. Một số bon tiêu biểu của người M’Nông như Bon Rung, Bon Ja Ráh, Bon Ktăk, Bon Phê Guh, Phê Prí khi tổ chức lễ hội đã thu hút đông đảo từ người già đến thiếu niên tham gia. Bà con đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, biết tự tổ chức các lễ hội văn hóa tâm linh và thêu dệt những trang phục truyền thống đẹp, qua đó bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa ở huyện Krông Nô./.