Hà Nội có rất nhiều ao, hồ, nhưng trong quá trình đô thị hóa đã bị xâm lấn và ô nhiễm nặng nề. Những năm gần đây, thành phố thực hiện cải tạo các hồ và cải thiện môi trường nước, mở ra những không gian mới, góp phần nâng cao chất lượng sống ở đô thị.
Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thả bể thủy sinh làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm.
Xử lý ô nhiễm nước hồ
Khu vực nội thành Hà Nội có khoảng hơn 110 hồ lớn, nhỏ, tổng diện tích khoảng 1.165 ha. Chúng không chỉ tạo vẻ đẹp thiên nhiên, điều hòa khí hậu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nước mưa, giảm úng ngập trên địa bàn. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa diễn ra quá mạnh, trong khi năng lực quản lý còn hạn chế, ý thức của người dân chưa cao, cho nên các hồ đã bị xâm lấn, thu hẹp diện tích đáng kể và ô nhiễm nghiêm trọng. Trước thực trạng ấy, năm 2010, thành phố chỉ đạo tiến hành rà soát lên kế hoạch cải tạo hệ thống hồ trên địa bàn; đồng thời thực hiện "Chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm sông, mương, hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội". Từ đó đến nay, nhiều hồ đã hoàn thành việc cải tạo, xử lý ô nhiễm, đem lại cảnh quan mới cho Thủ đô.
Bây giờ đi qua đường Tôn Thất Tùng, mọi người cảm thấy không gian như rộng hơn, cái nắng gắt mùa hè cũng như dịu hơn bởi không gian mặt nước trong lành, mát mẻ, thoáng đãng hiển hiện ngay bên hè phố. Đó là nhờ có hồ Hố Mẻ (quận Đống Đa). Còn nhớ trước khi cải tạo, hồ bị che khuất sau những dãy hàng quán, nhà ở lụp xụp; chung quanh hồ chỉ thấy cây dại, cỏ và rác. Nước hồ đen thẫm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối bởi rác và nước thải từ các hàng quán chung quanh thải trực tiếp ra hồ. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, đây là một trong số 30 hồ ô nhiễm nặng nhất ở Hà Nội. Năm nào vào mùa hè, Sở Y tế Hà Nội cũng phải đi kiểm tra vệ sinh môi trường và khuyến cáo người dân sống ở khu vực này tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Hồ Xã Đàn ở quận Đống Đa, hồ Quỳnh ở quận Hai Bà Trưng trước khi cải tạo, xử lý ô nhiễm cũng trong tình trạng tương tự. Có những thời điểm, cá chết nổi lềnh phềnh trên mặt nước, bốc mùi hôi tanh nồng nặc.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, do lưu lượng nước thải chảy vào đã vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ dẫn đến sự suy thoái chất lượng nước, thiếu hụt ô-xi và làm tăng trầm tích bồi lắng trong hồ... Nay thì các hồ nói trên và một loạt các hồ Đền Lừ, Giáp Bát, Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2B, Ngọc Khánh, Trúc Bạch, hồ Văn, hồ Võ, hồ Hai Bà Trưng, Kim Liên, Ngọc Hà, Ao Đình...đã được nạo vét, kè bờ, tách nước thải và ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm nước. Chất lượng nước được cải thiện đáng kể, trong hơn, không còn mùi hôi thối và góp phần tạo cảnh quan đô thị.
Cần có giải pháp bền vững
Ngay khi thành phố đẩy mạnh việc cải tạo các hồ trên địa bàn, đã có một câu hỏi đặt ra trong dư luận là: Các hồ liệu có thật sự được "hồi sinh"? Băn khoăn ấy là xác đáng bởi thực tế đã có những hồ sau khi được cải tạo vẫn bị ô nhiễm nặng. Hồ Thành Công là một thí dụ. Sau vài năm duy trì được mặt nước trong xanh, cảnh quan sạch đẹp, nước hồ bắt đầu chuyển mầu và bốc mùi. Có lúc người dân phải đeo khẩu trang khi đi tập thể dục ven hồ, vì không chịu nổi mùi hôi thối do cá chết hàng loạt nổi trên mặt hồ. Nguyên nhân là nước thải của khu dân cư chảy thẳng vào hồ. Thức ăn cho cá cộng với nguồn nước thải ấy đã làm cho hồ nhanh chóng trở lại tình trạng ô nhiễm do không có nguồn nước lưu thông.
Theo Trưởng phòng Kỹ thuật môi trường nước (Công ty Thoát nước Hà Nội) Nguyễn Thị Thúy Nga, thực hiện cải tạo gồm nạo vét, kè bờ, xử lý cảnh quan có vai trò rất quan trọng bảo vệ các hồ nước trên địa bàn. Song, chỉ thế chưa đủ, để duy trì được không gian mặt nước trong lành, sau khi cải tạo, cần phải có những biện pháp quản lý phù hợp, phải xử lý ngay nước thải vào hồ và áp dụng công nghệ chống ô nhiễm nước. Trên địa bàn thành phố, hiện còn nhiều hồ trong tình trạng sau khi cải tạo vẫn phải tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt. Quá trình tiếp nhận tích tụ nước thải diễn ra trong thời gian dài; cộng với việc không có dòng nước động trao đổi lưu thông trong và ngoài hồ làm phát sinh mật độ tảo dày đặc, lượng bùn lắng lớn, chất hữu cơ tăng cao sẽ dẫn đến ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, một số hồ đã có trạm xử lý nước thải như các trạm Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, có tác dụng tốt trong việc xử lý nước thải ở khu vực, giữ gìn cảnh quan, môi trường hồ bền vững. Đây là mô hình cần được nhân rộng triển khai tại các hồ trên địa bàn.
Để bảo vệ các hồ hiệu quả, hồi sinh bền vững các không gian mặt nước, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý chức năng, chính quyền địa phương cũng phải có sự đầu tư và vào cuộc tích cực. Hiện nay, mới chỉ có quận Đống Đa và quận Long Biên bố trí nguồn kinh phí cho việc bảo vệ môi trường hồ. Còn lại các quận khác vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức do khó khăn về nguồn vốn. Trong khi ô nhiễm nước hồ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cần được coi là vấn đề dân sinh bức xúc và có chính sách ưu tiên giải quyết. Mong rằng, vấn đề này sẽ được quan tâm đẩy mạnh hơn trong Năm Văn minh đô thị 2014.