Đất ngập nước có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, văn hóa lịch sử và tín ngưỡng. Đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học, bởi chúng là “ngôi nhà” của rất nhiều loài sinh vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Những giá trị đó đã được khẳng định đối với thế giới, khi Ban Thư ký Công ước ramsar công nhận 5 khu ramsar của Việt Nam. Bao gồm các khu ramsar Xuân Thủy, Bàu Sấu, Ba Bể, Tràm Chim và Mũi Cà Mau là những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.
Theo nhận định của các nhà khoa học Cục Bảo tồn đa dạng sinh học-Tổng cục Môi trường, việc công nhận các khu ramsar của Việt Nam không những khẳng định giá trị các vùng đất ngập nước của Việt Nam trên thế giới, mà còn thể hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước ở Việt Nam.
Tuy vậy, trước áp lực phát triển hiện nay các khu ramsar đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, nên cần có các giải pháp sử dụng hợp lý, nhằm duy trì được đặc tính sinh thái, bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên đa dạng sinh vật của chúng.
Đơn cử như khu ramsar Xuân Thủy thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định), được chính thức công nhận ngày 20/9/1988, với tổng diện tích 12.000ha, là khu ramsar đầu tiên của Việt Nam và là khu thứ 409 của thế giới. Đây là vùng cửa sông quan trọng có hệ sinh thái bùn lầy và rừng ngập mặn ven biển còn sót lại của lưu vực sông Hồng. Bao gồm cả phần đất liền kết nối với đê biển và các rìa đầm lầy.
Khu ramsar Xuân Thủy là khu vực vô cùng quan trọng đối với các loài chim nước và chim di cư, môi trường sống của nhiều loài đang bị đe dọa toàn cầu như cò thìa, bồ nông, choắc mỏ vàng.
Đây là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng sông Hồng nhờ sự phong phú, đa dạng về tài nguyên sinh vật. Trong đó có 120 loài thực vật bậc cao có mạch, trên 3.000ha rừng ngập mặn; 107 loài cá, 500 loài thủy sinh; 220 loài chim; hơn 10 loài thú và nhiều loài bò sát, côn trùng và lưỡng cư.
Hệ sinh thái nơi đây có năng suất sinh học và độ nhạy cảm cao. Tổng giá trị ước tính của con người trong lĩnh vực ngành cá và ngư nghiệp lên tới 10.300 tấn mỗi năm. Sản xuất gạo khoảng 40.000 tấn kèm theo các hoạt động săn bắt, khai thác cây sậy và chăn nuôi vịt.
Đặc biệt hệ sinh thái rừng ngập mặn có tầm quan trọng trong việc duy trì nghề cá, cung cấp nguồn tài nguyên gỗ và nhiên liệu củi, nhất là đóng vai trò to lớn trong việc bảo vệ vùng bờ do tác động của bão biển và biến đổi khí hậu.
Có thể nói rằng khu ramsar Xuân Thủy đã và đang vận dụng hợp lý đất ngập nước trong quản lý và bảo tồn vùng đất ngập nước của khu vực, vận dụng hài hòa được giữa lợi ích của cộng đồng và vấn đề bảo tồn khu ramsar.
Người dân địa phương được vào khu ramsar khai thác các nguồn lợi thủy sản bằng các biện pháp thủ công, không gây ảnh hưởng đến môi trường sống của thủy sinh vật. Cộng đồng và Ban quản lý cùng phối hợp quản lý tài nguyên rừng ngập mặn.
Tuy vậy, các hoạt động khai thác tài nguyên vẫn chưa được quản lý một cách chặt chẽ theo quy định. Việc phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu ramsar như bêtông hóa đường đi, đang tạo nên những áp lực lớn đến tính bền vững về môi trường sinh thái, cũng như nơi cư trú của nhiều loài quý hiếm nơi đây.
Trước các mối đe dọa tiềm tàng và các áp lực hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đối với các khu ramsar hiện nay, cần tiến hành ngay giải pháp xây dựng và thực hiện Quy chế quản lý bền vững cho các khu ramsar ở từng vùng sinh thái đất ngập nước, dựa trên những quy luật sinh thái và những đặc điểm riêng biệt của hệ sinh thái đất ngập nước.
Trong Quy chế này phải thể hiện rõ trách nhiệm của Ban quản lý khu bảo tồn, cơ quan quản lý cấp tỉnh và Trung ương về đào tạo kỹ năng bảo tồn đất ngập nước. Đầu tư vốn cho các hoạt động kiểm kê, theo dõi, giám sát đa dạng sinh học; tạo cơ chế phát triển nguồn thu từ các dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hệ sinh thái và cơ chế chia sẻ lợi ích theo đặc thù của vùng đất ngập nước.
Bên cạnh đó đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động bảo tồn và sử dụng hợp lý đất ngập nước tại các khu ramsar. Đối với khu Tràm Chim nên tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và duy trì việc quản lý nước và lửa đã được tiến hành thí điểm ở khu ramsar này.
Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch tổng thể về khu ramsar của Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu đang gia tăng, làm nền tảng quan trọng cho quy hoạch sử dụng đất và hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước của Việt Nam.
Giải pháp quan trọng nữa là hợp tác và thực hiện “đồng quản lý” với Ủy ban Nhân dân các tỉnh có khu ramsar; hỗ trợ 5 khu ramsar hiện có về kỹ thuật bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học; nâng cao năng lực cho cán bộ, tạo cơ chế hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững, giữa Ban quản lý và cộng đồng, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, cơ chế tài chính nhằm tạo thành các khu ramsar mẫu về quản lý đất ngập nước, trở thành nơi tham quan, học tập cho các khu bảo tồn đất ngập nước khác trên cả nước./.