Có lẽ, chưa bao giờ việc gìn giữ hình ảnh về sự an toàn, thân thiện cho đất nước, con người Việt Nam lại cấp thiết như thời điểm này.
Hành vi gây rối, vi phạm pháp luật của một số đối tượng tại một số địa phương vừa qua đã ảnh hưởng tới nhiều ngành, trong đó có du lịch, khiến một số thị trường, nhất là thị trường khách nói tiếng Hoa, có phần e ngại.
Trước tình hình này, ngày 27/5, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã có chuyến khảo sát, làm việc với một số DN du lịch trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang cho rằng truyền thông cần phải lên tiếng mạnh hơn nữa để du khách biết rõ đây chỉ là những hành động cá biệt và đã được cơ quan chức năng từ cấp cao nhất tới các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh kịp thời để khách an tâm và tiếp tục chọn điểm đến Việt Nam.
Còn theo ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontour, bên cạnh hàng loạt giải pháp thiết thực, hiệu quả để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách mà ngành Du lịch cùng các ban ngành liên quan triển khai rất tốt thời gian qua, yêu cầu cấp thiết ngay lúc này là cần đẩy mạnh quảng bá đến du khách Trung Quốc và các nước, các vùng lãnh thổ có cộng đồng sử dụng tiếng Hoa như Singapore, Đài Loan, Hongkong… hiểu rõ rằng môi trường du lịch Việt Nam vẫn ổn định, thân thiện và luôn chào đón họ.
Ngoài đảm bảo hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn, theo ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc khách sạn Rex, ngành Du lịch nên giảm giá thật sâu các hành trình để thu hút không chỉ khách Trung Quốc và thị trường các nước có người dân sử dụng tiếng Hoa, mà còn để bạn bè khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam, để thấy dù trong hoàn cảnh nào, đất nước và con người Việt Nam vẫn vô cùng thân thiện, hiếu khách và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. Ông Nghệ cũng đề nghị các đơn vị hàng không, khách sạn và lữ hành chung tay tạo dựng các chương trình kích cầu du lịch quốc tế với các mức giá hấp dẫn nhất có thể.
Thêm giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế
Theo những nhà làm du lịch, để khắc phục những ảnh hưởng có thể xảy ra từ thị trường Trung Quốc, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác những thị trường giàu tiềm năng, phân khúc chi tiêu cao như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Ấn Độ.
Chẳng hạn như kiến nghị của bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM về việc mở rộng thêm đối tượng các quốc gia được miễn giảm thị thực khi vào nước ta, tạo môi trường du lịch ngày càng thông thoáng.
Bà Khánh cho rằng cơ quan chức năng nên xem xét miễn giảm thị thực thêm cho 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gỡ bớt rào cản về thủ tục, rút ngắn thời gian làm visa để tạo điều kiện cũng như động lực cho khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là với những thị trường ưu tiên hàng đầu của du lịch Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…
Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch cũng cần xem xét việc xây dựng văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam ở một số thị trường du lịch trọng điểm để chỉ đạo sát sao và kịp thời, đặc biệt trong những thời điểm như hiện nay.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM đề nghị ngành Du lịch tổ chức ngay các đoàn xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm như Nga, Nhật, Hàn Quốc… để kích cầu du lịch.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ, đồng hành của cơ quan Nhà nước như miễn giảm thuế đối với xe vận chuyển khách du lịch, hỗ trợ, giảm giá lệ phí làm visa, đơn giản các thủ tục hành chính tránh phiền hà cho du khách.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng đòi hỏi sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của các cơ quan quản lý, hiệp hội, DN du lịch kề vai sát cánh biến những thách thức thành cơ hội, đưa ngành Du lịch vượt sóng.
Ông Tuấn khẳng định Bộ VHTTDL tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp tâm huyết trên của DN và sẽ sớm cụ thể hóa bằng các chính sách trong thời gian sớm nhất.
Nguyệt Hà