Việc bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa và thiên nhiên nói chung và các di sản thế giới đã được UNESCO công nhận ở Việt Nam lại “nóng lên”, khi công tác quản lý tại những nơi này đang tồn tại nhiều bất cập.
Thừa Thiên – Huế đang canh cánh lo 170 nghìn dân còn đang sống trong khu vực Đại nội. TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tich cố đô Huế cho biết: Trung bình mỗi năm Trung tâm “phải” có 200 - 300 công văn trả lời những việc liên quan đến đất đai, xây dựng của các hộ dân đang sống trong di tích.
Các địa phương khác đang sở hữu các di sản Thế giới cũng hết sức “đau đầu”. Chỉ một dự án rất thiết thực và cấp bách là phòng chống cháy trong khu phố cổ Hội An nhưng chờ xin được duyệt vô cùng khó khăn vì sự chồng chéo giữa các cơ quan hữu trách liên quan. Mỹ Sơn đã từng được coi là “khu kinh tế mới” của Quảng Nam, từng suýt “được” xây thêm hồ thủy lợi nay vẫn phải lo bảo vệ rừng xung quanh di sản.
Di sản Hạ Long thì lúng túng với việc môi trường sinh thái và cảnh quan đang bị tác động mạnh từ sự phát triển các công trình xây dựng đô thị và các ngành công nghiệp ven bờ vịnh; sự gia tăng dân cư, nhà bè, các phương tiện vận chuyển khách du lịch, tàu vận tải, tàu nghỉ đêm trên vịnh... Phong Nha Kẻ Bàng là hình mẫu chồng chéo của nhiều cơ quan quản lý: Ban quản lý di sản, Ban quản lý rừng quốc gia, kiểm lâm, biên phòng, hải quan...
Nguyên nhân của tình trạng này là: Bộ máy quản lý của các Di sản thế giới hiện nay rất khác nhau, việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho các Ban/Trung tâm quản lý Di sản thế giới ở một số địa phương còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tầm vóc quản lý di sản thế giới. Có thể lấy ví dụ: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An và Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn chỉ là các cơ quan trực thuộc huyện/thành phố thuộc tỉnh; Thành Nhà Hồ là cơ quan trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa... Các công việc liên quan tới quản lý, phát huy giá trị di sản thường liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương nên cần sự liên kết nhưng điều này hiện còn lỏng lẻo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu những định hướng “gỡ nút thắt” cho những bất cập: Tăng cường xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định ở cấp Trung ương và địa phương liên quan tới quản lý, bảo vệ và phát huy các Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới; kiện toàn mô hình, sắp xếp lại bộ máy quản lý, xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới; sớm hoàn thiện “Kế hoạch quản lý tổng hợp” cho các di sản.
Bên cạnh đó, các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới cần nỗ lực, tích cực trao đổi kinh nghiệm quản lý và đào tạo đội ngũ cán bộ; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia ngày càng sâu - rộng vào các hoạt động quốc tế về di sản. Các Ban/Trung tâm quản lý Di sản thế giới cần tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhất là ở bộ phận quản lý môi trường, hệ động, thực vật, nghiên cứu chuyên sâu về bảo quản, phục hồi di tích, di vật.