Khu du lịch chùa Hương (Hà Nội): Hết mùa lễ hội vẫn “trăm nỗi ưu phiền”

Cập nhật: 02/06/2014
Để ngăn chặn tình trạng lộn xộn, “chặt chém” du khách và những bất cập trong công tác quản lý tại chùa Hương, đầu năm 2014, UBND thành phố Hà Nội đã ra Thông báo số 20/TB-UBND nhằm chấn chỉnh và khắc phục. Tuy nhiên, tình trạng trên đến nay vẫn tái diễn.

Khu di tích chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, là khu danh thắng nổi tiếng, hằng năm đón hàng vạn du khách thập phương về lễ chùa, vãn cảnh. Thời điểm hiện nay không phải là mùa lễ hội nhưng vào ngày cuối tuần, chúng tôi vẫn tìm đến chùa Hương, hòa vào dòng người tấp nập.

 

Mặc dù trước khi đi, chúng tôi đã tìm hiểu thông tin và được biết, Ban quản lý chùa Hương đã chấn chỉnh tình trạng “chặt chém”, "cò vé" thu thêm phí tại các bến đò và dịch vụ đổi tiền lẻ. Thế nhưng, vừa dừng chân tại bến đò, chúng tôi đã bị một đoàn người từ trong các hàng quán chạy ra chèo kéo. Chúng tôi hỏi giá thì được một chủ đò cho biết: “Đoàn các anh đông người nên ngoài giá vé là 85.000 đồng/người, bao gồm vé thắng cảnh, phí bảo hiểm và vé xuồng đò, em xin thêm mỗi người 15.000 đồng nữa”. Anh bạn tôi tỏ vẻ không bằng lòng thì chủ đò cho biết: “Luật bất thành văn rồi, các anh đi đò nào cũng vậy cả, thậm chí đò khác thì tiền bo còn cao hơn”. Khi chúng tôi chuẩn bị xuống đò thì một vài người cầm túi chạy lại mời đổi tiền lẻ để lễ chùa với mức "10 ăn 3".

 

Hiểm họa những con đò không áo phao.

 

Những gói thuốc "đặc trị" không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai.

 

Đò chở khách ở chùa Hương chia làm hai loại, loại đò chất lượng cao (xuồng máy) và loại đò thường. Đoàn chúng tôi có 9 người, đi chung một đò thường, vỏ bằng sắt. Đi một đoạn thấy đò hay tròng trành, chúng tôi hỏi sao không trang bị áo phao cho khách, thì chủ đò cho biết: “Ở đây ngoài xuồng máy thì tất cả các đò đều không có áo phao. Hơn nữa, suối ở đây nông chỉ 1,5 đến 2m là cùng, nơi nào sâu thì người ta đóng cọc treo áo phao rồi”. Suốt hành trình dọc suối Yến, không ít lần chúng tôi thót tim vì mỗi khi có một chiếc xuồng máy chạy qua, con đò lại tròng trành như sắp đắm vậy. Đã thế, liên tục có các thuyền bán hàng giải khát áp sát mạn đò, chèo kéo khách mua hàng. Tất nhiên, giá cả thì “phải khác trên bờ”.

 

Rời đò, chúng tôi đi lên chùa. Thật bất ngờ, dọc đường hàng quán vẫn san sát, bán nước mía, thịt thú rừng, thuốc đông y đủ loại, cho thuê chiếu, nhà nghỉ, đổi tiền lẻ, hàng ăn phục vụ du khách… không thiếu thứ gì. Những cò hàng ăn ra níu kéo, chào mời du khách. Tôi hỏi thử: “Quán không bán thịt thú rừng à ?”. Ngay lập tức "cò" lên tiếng: “Anh chị cứ vào quán đi, thịt loại gì cũng có. Vào mua về làm quà, em bán giá gốc thôi”. Đấy là dọc đường đi, còn lên gần chùa thì các hàng quán không che giấu nữa mà bày bán công khai, cả thú rừng làm sẵn lẫn thú rừng còn sống như: Nhím, tê tê, rùa... Rồi các loại thuốc đông y không tem nhãn đăng ký, không qua kiểm nghiệm được gói ghém trong các túi ni-lông đủ kích cỡ, với dòng quảng cáo ghi đậm trên bao bì như: “bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý”, “tiêu mỡ, giảm béo”, “mát gan, mát thận”, “rụng tóc, mọc tóc”… Khi được hỏi xuất xứ, chủ quán chỉ ậm ừ cho biết “bọn anh đi rừng lấy được…”.

 

Nhưng, điều khiến chúng tôi bức xúc nhất vẫn là nạn "chặt chém" du khách với thủ đoạn trắng trợn. Trên đường trèo bộ lên chùa, chúng tôi dừng chân vào một quán nước mía ven đường. Cẩn thận, chúng tôi đã hỏi giá và được chủ quán trả lời “5000 đồng/cốc thôi”. Nhất trí, chúng tôi gọi 8 cốc nước mía. Thế nhưng, khi uống xong, thanh toán tiền thì giá: “45 nghìn đồng/cốc. Khi chúng tôi lên tiếng phản đối thì hai thanh niên xăm trổ đầy mình chạy lại đe dọa. Thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, chúng tôi trả tiền để kiếm hai chữ bình yên. Mang chuyện kể lại với những đoàn cùng đi lên chùa, thì ai cũng ta thán về hành vi "chặt chém" tại đây. Có người còn nói, không khác gì ăn cướp giữa ban ngày.

 

Anh Trịnh Văn Dương, một người khách đến từ Phú Thọ cho biết: Tôi thấy chủ quán mời vào ngồi uống nước không lấy tiền ghế ngồi nên tôi và nhóm bạn vào gọi một ấm trà với giá 40.000 đồng. Uống xong, đứng dậy thanh toán thì giá là 110.000 đồng. Chủ quán giải thích là chỉ miễn phí ghế ngồi cho mình tôi, còn những người trong đoàn phải trả 10.000 đồng/người.

 

Không chỉ có những "hạt sạn" nêu trên, khi đến động Hương Đài và qua cổng đặt lễ thì những người trông coi ở đây ra chào mời công đức quá nhiệt tình. Không dừng ở câu mời, họ còn hỏi tên từng người trong đoàn và hỏi cụ thể số tiền mỗi người công đức để ghi sổ với lời “nhắn nhủ”: “Hãy thành tâm để lấy lộc con ạ”. Nếu là thành tâm thì việc tự bỏ và bỏ bao nhiêu tiền là tùy, sao lại có kiểu mời chào, hỏi han kỹ lưỡng như vậy?

 

Chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước, những "hạt sạn" nêu trên đã và đang gây cho du khách những phiền lòng. Rất mong, chính quyền địa phương và Ban quản lý khu di tích chùa Hương, cần kiên quyết hơn trong việc xử lý những vi phạm nêu trên. Xin đừng "đánh trống bỏ dùi", khiến du khách có những suy nghĩ méo mó về khu di tích này.

 

Bài và ảnh: Trúc Lâm

Nguồn: QĐND