Tiền công đức bị lạm dụng.
Thời gian gần đây, nhiều đình, chùa, đền, miếu được tôn tạo, xây mới khang trang, thậm chí hoành tráng, đồ sộ. Các hoạt động như lễ, hội cũng được mở rộng đầu tư, từ cấp quốc gia cho đến làng xã. Và đâu đó, người ta đã thấy những điều chướng tai gai mắt bởi cái gọi là "nghệ thuật moi tiền" công đức từ túi các con nhang, đệ tử.
"Lượng tiền công đức tuy lớn, nhưng không ai nắm được cụ thể, nên khó biết việc chia sẻ lợi ích được thực hiện như thế nào. Cũng từ đó mà xảy ra hiện tượng lợi dụng công đức để tư lợi, xuất hiện ở rất nhiều đền phủ tư nhân, hay các "công ty" tôn giáo tâm linh", ông Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho biết. Chính vì vậy, Bộ VHTT&DL cùng Bộ Nội vụ đã tất bật lên kế hoạch xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo với mong muốn minh bạch hóa việc quản lý nguồn tiền công đức.
Khó quản lý
Thông tư liên tịch gồm 9 điều, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động hoặc có liên quan đến hoạt động tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam. Thông tư quy định các nguyên tắc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có nội dung: "Tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch" (Khoản 4 Điều 3). Đặc biệt, Điều 7 quy định: "Người phụ trách (trụ trì), Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng khẳng định: "Với việc ký kết Thông tư liên tịch, chúng ta đã có một "cây gậy" pháp lý để tăng cường hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước, tăng cường việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo...". Thế nhưng, "cây gậy" ấy sẽ được sử dụng thế nào thì chưa ai dám khẳng định, bởi chìa khóa để giải quyết vấn đề tiền công đức nằm ở chỗ ai là người kiểm tra, kiểm soát sổ sách, cách thu và chi tiền công đức lại chưa cụ thể.
Trong một hội thảo về nếp sống văn minh tín ngưỡng, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cũng đã từng khẳng định: "Nhà nước không quản lý trực tiếp, hay bắt buộc mà chỉ định hướng, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh, minh bạch tiền công đức và sử dụng tiền công đức". Thế mới thấy, khó mà bàn đến việc có nên đặt khái niệm "quản lý" đối với các cơ sở tín ngưỡng đã được Nhà nước công nhận hay không; Có nên thành lập ban quản lý hay không và nếu có, ban quản lý đó sẽ hoạt động như thế nào trong Thông tư lần này.
Có lẽ việc trong sạch hóa và minh bạch nguồn tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng vẫn phải chờ thêm những "cây gậy" pháp lý cụ thể hơn của ngành văn hóa.