Văn hoá Hoà Bình là một nền văn hoà đa dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm một tỉ lệ khá lớn tới hơn 60% dân số. Văn hoá Mường và những nền văn hoá khác đã tập hợp lại và làm nên những nét riêng của văn hoá Hoà Bình. Bản sắc văn hoá Hoà Bình bao gồm: Văn hoá Trống Đồng, văn hoá Cồng Chiêng, các truờng ca, văn hoá ăn, ở, mặc cùng các loại hình văn hoá khác.
Tổng số trống Đồng phát hiện được tại Hoà Bình đến nay là 112 chiếc. Ngày xưa. trống Đồng rất được coi trọng, nó vừa là một công cụ, vừa là nhạc cụ và được sử dụng hầu hết trong các nghi lễ quan trọng : tế thần, cầu mưa, hội hè, tang lễ. Trống Đồng là biểu hiện của uy quyền, của giàu sang, của thế lực. Tiếng trống Đồng là hiệu lệnh thúc giục tiến quân khi có kẻ thù xâm lăng đất nước, là vật tuỳ táng theo người quá cố. Chính vì vậy, trống Đồng còn mang những giá trị về tôn giáo, xã hội.
Cồng chiêng tham gia hầu hết vào mọi sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng như hội Sắc bùa, lễ cưới, lễ tang, cuộc đi săn, kéo gỗ, mừng nhà mới, hội xuống đồng, khi thiên tai địch họa. Đặc biệt trong lễ hội mùa Xuân ở Hoà Bình thường có những phường Chiêng, phường Cồng đi chúc Tết các gia đình ( gọi là phường Sắc Bùa ). Trong sinh hoạt dân gian nổi lên lễ xướng trường ca Đẻ đất - Đẻ nước vừa diễn tả, giải thích nguồn gốc vũ trụ, con người, muôn loài với quan niệm linh thiêng đầy chất huyền thoại.
Người Mường Hoà Bình thường ở nhà sàn, theo truyền thuyết dân gian gọi là nhà rùa: có 4 mái 3 tầng mô phỏng theo quan niệm vũ trụ dân gian 3 tầng 4 thế giới của người Mường, Cũng chính ở đất Mường tồn tại một loại dịch độc đáo gọi là sao Đoi, trong đó ngày lùi đi một ngày, tháng tiến trước 3 tháng nên thường gọi là lịch ngày lùi tháng tiến. Trong ẩm thực người Mường xưa thường ăn cơm đồ, uống rượu cần. Trang phục phụ nữ Mường đầy độc đáo gợi cảm. Đặc biệt, cạp váy Mường có đường nét hoa văn rất tinh tế được mô tả theo hoa văn trên mặt trống Đồng Đông Sơn.
Người Thái Hoà Bình cũng làm nhà sàn như người Mường song nhà sàn Thái rộng hơn, sắp xếp quy củ hơn. Trang phục của người Thái đa dạng và hết sức độc đáo. Trang phục phụ nữ Thái có những hoa văn trang trí mang biểu tượng thiên nhiên đa dạng : chim muông, cây cỏ. mặt trời. Đai thắt lưng và khăn Piêu là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Dân tộc Thái có nhiều lễ hội mang sắc thái riêng: lễ ra lửa. lễ cưới, lễ cơm mới, lễ hội ném còn, múa quạt. Đặc biệt xoè Thái là hấp dẫn nhất. Nếu vào các bản thái và được thưởng thức hương vị cá đồ, măng đắng, là coi như bạn đã trở thành người khách quý. Một số bản Thái ở Mai Châu từ lâu đã cuốn hút và làm cho du khách sững sờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên cùng sự phong phú, độc đáo của nếp sinh hoạt Thái.
Dân tộc H’Mông Hoà Bình sống trên các đỉnh núi cao. Trang phục của người H’Mông có kết cấu hoa văn khác lạ. Con trai H’Mông có tục “ Bắt vợ ” rất thú vị và là quy ước để nâng cao giá trị người con gái. Người H’Mông là tác giả của tục chơi cù quay, một trò chơi sôi động cuốn hút nhiều người tham dự. Tiếng khèn và những điệu múa khèn mang nhiều sắc thái tình cảm, văn hoá rất độc đáo. Cái khèn kà người bạn tâm tình của người H’Mông, nó đã ăn sâu vào từng phong tục, nếp sống của người H’Mông.
Người Dao mỗi khi có cháu bé chào đời thường tổ chức lễ “ Dâng hương cúng Mạ ” để cầu mong cho cháu bé được lơn lên trong sự đùm bọc yêu thương. “Tết nhảy” là một nét độc đáo của người Dao mang sắc thái gia đình. Tết tổ chức ở một vài nhà nhưng được bản coi như tết chung. Tất cả mọi người đều ăn uống, nhảy múa vui vẻ trong 3 ngày liền. Du khách nếu có dịp đến đúng vào “tết Nhảy” thì khó mà từ chối một lời mời nhiệt tình của chủ nhân, chỉ khi nào bạn được ăn uống no say mới được về./.