Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là Khu Ramsar thế giới, hiện có 130 loài cá được chia thành 2 nhóm chính là nhóm cá nước tĩnh và nhóm cá ưa nước chảy. Trong đó có 17 loài quý, hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và các loài cá có giá trị kinh tế cao đang được ưu tiên bảo tồn.
Tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2014-2020, trong đó đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng để giám sát, nghiên cứu, bảo tồn thành phần các loài thủy sản. Đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm như cá Hô, cá Còm, cá Cóc, cá Sặt rằn, cá Dày. Vừa qua Vườn đã thả 1.412 con cá Dày (Channa lucius) tại phân khu A2, sau hơn 2 tháng tuổi có kích thước từ 5 – 7cm. Vườn còn phối hợp với Trạm thủy sản huyện Tam Nông tiến hành thả hơn 4.800 con cá Thát lát còm (Notopterus chitala) và 4.400 con cá Sặc rằn (Trichogaster pectoralis) về với thiên nhiên, mục đích tái tạo nguồn cá quý bản địa trong kế hoạch tổng thể của Vườn về bảo tồn đa dạng sinh học.
Để đáp ứng các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Tràm Chim quyết định thời điểm đóng các cửa cống vào cuối mùa mưa để cho mức nước ngập thích hợp, sau khi đóng cống để trải qua các tháng trong mùa khô dưới tác động của các yếu tố khí tượng sẽ đạt mức nước ngập hợp lý. Vườn đã thiết lập hệ thống kênh với chiều dài hơn 60km bao quanh với với chiều rộng 25–30m, 20km kênh nội đồng rộng 6-10m; hình thành 37 ao trữ nước ở các phân khu A1, A2, A4 để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng.