Nguồn lực con người với xuất phát điểm thấp về mặt học vấn, nhưng đã và đang được liên tục nâng cao năng lực thông qua đào tạo ngành nghề tạo cơ hội tham gia hoạt động du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm. Nguồn lực con người với xuất phát điểm thấp về mặt học vấn, nhưng đã và đang được liên tục nâng cao năng lực thông qua đào tạo ngành nghề tạo cơ hội tham gia hoạt động du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm.
Khảo sát năm 2005, khoảng 1/3 tổng số các chủ hộ gia đình ở Cù Lao Chàm có trình độ văn hóa cấp hai và khoảng 40% không được tiếp nhận một sự học vấn nào.
Hơn 30% vợ hoặc chồng của các chủ hộ gia đình này là mù chữ và khoảng chừng 25% có trình độ văn hóa cấp 2.
Ngoài học vấn, các trình độ nghề nghiệp khác như kinh nghiệm và kiến thức về đánh bắt hải sản là rất quan trọng đối với sinh kế tại Cù Lao Chàm.
Cải thiện năng lực quản lý và bảo vệ tài nguyên
Nắm bắt được những thuận lợi và hạn chế của nguồn lực này, ngay từ những ngày đầu, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tập trung vào việc nâng cao nhận thức và đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng.
Trong thời gian từ năm 2003 - 2006, một chương trình nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường đã được tổ chức rộng rãi cho người làm công tác quản lý và cộng đồng của tỉnh, huyện, xã; 19 thành viên cấp thành phố và tỉnh tham gia năm chuyến tham quan khảo sát các mô hình và học tập trao đổi kinh nghiệm tại các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia, hội nghị bảo tồn quốc tế ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Anh, Trung Quốc và Australia.
Có 116 thành viên, trong đó bao gồm 40 cán bộ và 76 người dân địa phương tham quan học tập các mô hình bảo tồn trong nước.
Các điểm đến tham quan học tập trong nước là các khu bảo tồn Núi Chúa, Phong Nha - Kẻ Bàng, Phú Quốc, Côn Đảo, vịnh Hạ Long, Cần Giờ, Hòn Mun, Rạng Trào, Hội An, Mỹ Sơn và Huế.
800 người, trong đó gần 75% thành viên từ cộng đồng địa phương tham gia đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ thuật và ngành nghề hỗ trợ cho phát triển sinh kế với tổng số 29 khóa tập huấn tại Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian ba năm từ 2003 - 2006, đã có gần 2/3 tổng số dân cư trên đảo tham gia các hoạt động đào tạo và nâng cao nhận thức, cụ thể là có hơn 1.868 người lớn, trong đó có khoảng 50% là phụ nữ, 606 trẻ em tham gia.
Tại thành phố Hội An đã có gần 334 lượt người tham dự các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn.
Từ năm 2006 - 2013, nguồn lực con người của cộng đồng Cù Lao Chàm được tiếp tục cải thiện và nâng cao thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn sinh kế tại địa phương.
Nếu như trong giai đoạn từ 2003 - 2006, nguồn lực con người chủ yếu được tập trung vào sự hiểu biết về bảo tồn, lợi ích kinh tế, cũng như kiến thức về quản lý bảo tồn, thì trong giai đoạn 2006 - 2013, phần lớn đầu tư cụ thể vào học tập, chuyển giao các sinh kế mới và xây dựng các mô hình trình diễn nhằm gắn kết người dân tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái thông qua bảo tồn.
Hơn 60% số dân, khoảng 1.576 người tại Cù Lao Chàm ở độ tuổi 19 - 65, một nguồn lực rất tiềm năng cho lao động sản xuất. Dân cư Cù Lao Chàm được xem là một nguồn dân cư khỏe mạnh với bầu không khí trong lành, thức ăn đạm bạc và đầy ắp các hoạt động cơ bắp.
Tuy xuất phát điểm ban đầu của trình độ học vấn có thấp so với người dân những địa phương khác, nhưng nguồn lực con người khỏe mạnh của Cù Lao Chàm được liên tục đào tạo nâng cao năng lực đã sáng tạo và thích ứng với nhiều sinh kế mới gắn liền với hoạt động du lịch sinh thái tạo cơ hội nâng cao thu nhập và cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Các sinh kế mới gắn liền với du lịch tại Cù Lao Chàm đó là nhà hàng tại các bãi biển; xe máy vận chuyển khách; nghỉ dưỡng tại hộ gia đình; vận chuyển khách bằng thuyền; bán hàng lưu niệm; bán thủy sản khô; làm bánh; bán thủy sản tươi sống; cửa hàng tổng hợp và lao động mùa vụ.
Tăng cường nguồn lực tài chính
Vào những năm xây dựng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, khoảng chừng 67% tổng số hộ gia đình đã vay vốn từ các chương trình tín chấp tại địa phương, hội đoàn thể, hoặc người thân và bạn bè.
Các hộ gia đình này đã từng mong muốn có được sự tiếp cận tốt hơn đến nhiều nguồn tài chính và được vay nhiều tiền hơn.
Có 50% trong tổng các hộ gia đình vay vốn đầu tư vào ngư cụ, ghe thuyền đánh bắt và 40% vay vốn đầu tư vào các hoạt động sản xuất khác không phải thủy sản, như chăn nuôi hoặc mở hàng quán buôn bán.
Trong thời gian từ năm 2006 - 2013, nguồn lực tài chính đối với cộng đồng Cù Lao Chàm đã và đang được cải thiện với nhiều cách tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, hỗ trợ sinh kế LMPA (sinh kế cộng đồng trong và xung quanh các KBTB) và GEF (Quỹ Môi trường toàn cầu) với lãi suất ưu đãi, trong đó có 76 số hộ gia đình được vay 1,172 tỷ đồng từ nguồn LMPA, và 450 triệu đồng cho 45 hộ gia đình làm nghề khai thác cua đá.
Năm 2012, Ngân hàng Nông nghiệp đẵ đặt trạm giao dịch tại đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân vay và gửi tiền. Phần lớn nguồn lực tài chính của người dân tập trung vào đầu tư các trang thiết bị khai thác nguồn lợi biển như ghe, tàu, lưới đánh cá.
Gần đây hoạt động du lịch được nở rộ tại khu vực đảo, bà con còn tập trung đầu tư mở rộng homestay, nhà hàng, tàu chuyên chở khách du lịch.
Nguồn lực tài chính còn được biểu hiện thông qua thu nhập và sự đa dạng các nguồn thu nhập của cộng đồng, nhất là từ khi người dân đảo tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái.
Theo số liệu thống kê trong 10 năm qua, dân số tại Cù Lao Chàm không thay đổi lớn, tổng số dân trên dưới 2.500 người, đến nay thành phần nghề nghiệp đã thay đổi nhiều, nhất là các sinh kế mới ra đời cùng với sự phát triển của du lịch.
Năm 2005, số người già, trẻ em, nhân viên Nhà nước là 13,5%, người làm nghề làm biển là 35,75%, sinh viên 1%, nội trợ 13,75%, lao động phổ thông 4%, lao động nông nghiệp và rừng 7,25%, lao động làm thuê nghề biển 4,75%.
Ước tính hơn 740 người trong độ tuổi lao động chịu nhiều rủi ro và ít có cơ hội tạo thu nhập tại Cù Lao Chàm. Đến năm 2012, đã có 485 người trong số lao động này có hội tìm được việc làm tại địa phương từ 12 sinh kế mới theo các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái mang lại, với mức thu nhập trên 62 triệu đồng/ngày.
Với tốc độ phát triển du lịch như hiện nay, vào năm 2012 - 2013, trung bình một năm người dân tiếp đón du khách 10 tháng, mỗi tháng 30 ngày và như vậy cộng đồng Cù Lao Chàm có thể thu nhập thêm 18,6 tỷ đồng/năm, đó là chưa kể số thu từ nguồn phí tham quan lặn biển.