Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội - Hướng tiếp cận mới

Cập nhật: 20/11/2014
Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận mới trong quản lý và thực hành du lịch, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và tăng cường các hoạt động tích cực. Thước đo của sự thành công là mang lại thu nhập cao hơn, bảo tồn được văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường.

Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” được triển khai từ năm 2011-2015,  ngân sách dự án là 12,2 triệu euro, trong đó vốn ODA do EU tài trợ là 11 triệu euro, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1,1 triệu euro.  Mục tiêu hướng tới của dự án là thúc đẩy các sản phẩm, dịch vụ du lịch có trách nhiệm, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Theo ông Hà Văn Siêu- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, các hoạt động của dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về sự tôn trọng đối với môi trường và văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch; trao quyền cho người dân địa phương, thông qua du lịch để tối đa hóa thu nhập và việc làm cho họ.

 

Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Trí- Giám đốc Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” - cho rằng, du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam đang phải đối diện nhiều thách thức. Đó là khung chính sách du lịch có trách nhiệm ở tầm quốc gia, sự cam kết phối hợp hành động của các đối tác và duy trì bền vững các kết quả về du lịch có trách nhiệm… Cũng theo ông Trí, để thúc đẩy du lịch có trách nhiệm cần đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực chủ đạo như: phối hợp các hoạt động trong ngành; cung cấp khả năng lãnh đạo, đặt ra tiêu chuẩn, quản lý có trách nhiệm với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; bồi dưỡng năng lực, thực thi luật pháp, nâng cao khả năng quản lý về du lịch có trách nhiệm.

Bảo Thoa

 

Nguồn: Báo CôngThương