Tuy nhiên, có một thực tế là chúng ta rất quan tâm đến việc làm hồ sơ của di sản để đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), nhưng lại chưa quan tâm nhiều lắm tới sức sống, sự lan tỏa của di sản trong cộng đồng. Chính vì vậy, vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vẫn là nỗi băn khoăn của các địa phương, cộng đồng có di sản và cả những nhà quản lý văn hóa.
Điều dễ nhận thấy, các di sản khi được vinh danh ở tầm thế giới đều trở thành “điểm nhấn” quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam, lượng du khách trong nước và quốc tế đến các khu di sản thế giới ở nước ta cũng ngày một tăng. Phát triển du lịch đưa đến nhiều cơ hội, đồng thời cũng tạo ra một số thách thức đối với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa. Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu di sản, vấn đề bảo tồn gắn với phát triển kinh tế... Thực tế cho thấy, sự ô nhiễm ở Vịnh Hạ Long đã khiến UNESCO phải đưa ra khuyến cáo đối với Di sản Thiên nhiên thế giới này. Bên cạnh đó, việc quá nhiều khách đến với di sản hay sử dụng quá nhiều đèn chiếu có nguy cơ làm hỏng lớp thạch nhũ, mất đi vẻ tự nhiên của di tích Phong Nha, Kẻ Bàng...
Truyền dạy Ví, Giặm cho thế hệ trẻ. Ảnh minh họa: Báo Nghệ An
Di sản vật thể là vậy, đối với các di sản văn hóa phi vật thể cũng có không ít thách thức. Chẳng hạn như Ca trù. Sau 5 năm được vinh danh, Ca trù đang rơi vào tình cảnh thiếu vắng cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức. Hay, việc bảo tồn hát Xoan hiện còn gặp rất nhiều vấn đề. Đó là hiện nay chưa có một đội hát Xoan mang tính chuyên nghiệp và hình mẫu để có thể biểu diễn trong các sự kiện quan trọng, do vậy mới có tình trạng vừa được vinh danh, hát Xoan đã bị “cải biên”. Mới đây nhất, Dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng đặt ra cho các cấp, các ngành về bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Bởi hiện tại, không gian diễn xướng cho Dân ca Ví, Giặm đã dần bị mai một. Nếu như những câu hát, làn điệu ngày xưa được cất lên từ những không gian rất thật, gắn liền với cảnh sinh hoạt, không khí lao động vui tươi, phấn khởi của nhân dân, gắn liền với làng nghề, vùng biển thì Dân ca Ví, Giặm ngày nay phần lớn chỉ còn thấy trên sân khấu truyền hình với những quang cảnh tự tạo mà thiếu hẳn sự sinh động mang đậm hồn cốt của Dân ca Ví, Giặm...
Để bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị của các di sản, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách phù hợp trong từng thời kì, giai đoạn. Trước hết là rà soát, bổ sung những văn bản pháp lý về quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản phù hợp tình hình thực tế; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách; kiện toàn và sắp xếp lại bộ máy quản lý; ban hành quy chế hoạt động của các cơ quan quản lý di sản thế giới.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý di sản ở các địa phương và trung ương cũng phối hợp hoạt động, phát huy vai trò của Câu lạc bộ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo cán bộ, hợp tác quốc tế về di sản. Chính phủ và nhiều tỉnh, thành phố cũng dành ngân sách cho việc di dời các công trình xây dựng xâm phạm di tích...
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến tương lai của di sản chính là sự ủng hộ của cộng đồng. Di sản muốn tồn tại được phải được cộng đồng tiếp sức. Di sản là tài sản văn hóa do các thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ tiếp nối, là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa. Do đó, bảo tồn di sản văn hóa không bao giờ là công việc của riêng một hay vài cá nhân. Bất cứ một di sản văn hóa nào chỉ có thể được bảo tồn bởi chính bản thân nó và chính cộng đồng đã sản sinh ra nó. Trong Công ước bảo vệ đa dạng văn hóa 2003, UNESCO đã khẳng định “Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”. Do vậy, các nhà quản lý văn hóa cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này!./.