Việt Nam là một quốc gia văn hiến có lịch sử phát triển mấy nghìn năm rực rỡ. Một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần làm nên văn hiến Việt Nam chính là Nho giáo, Nho học và những di tích nho học là một phần bộ mặt của nền văn hiến đó.
Với gần 20 thế kỷ gắn bó cùng người Việt Nam, Nho học đã để lại cho hậu thế một kho tàng tri thức phong phú cùng nhiều di sản quý báu như các di tích về trường thi, nơi đề danh những người đỗ đạt (Phu Văn Lâu - Huế), nơi thờ cúng tổ sư Nho học (Văn miếu, Khổng miếu)…Không những thế, với gần hai thiên niên kỷ tồn tại và phát triển, Nho học còn góp phần tạo dựng một nền giáo dục mang bản sắc riêng, là cái nôi đào tạo ra những danh nhân văn hóa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…
Nho giáo Việt Nam được xem là một trong những tín ngưỡng quan trọng, đóng góp trong việc xây dựng chỗ dựa vững chắc đối với phát triển kinh tế, lịch sử, kiến trúc và tồn tại các triều đại phong kiến như Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Hiện nay có khoảng 10% đến 20% dân số theo Nho giáo, nhưng hầu hết là ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - nơi tiếp nhận sớm nhất sự du nhập và ảnh hưởng của Nho giáo từ Trung Hoa.
Hệ thống di tích Nho học ở vùng đồng bằng Bắc Bộ tập trung với số lượng khá lớn. Tuy nhiên, sau những biến thiên trong chặng dài của lịch sử dân tộc, hệ thống Văn miếu ở đồng bằng Bắc Bộ hiện chỉ còn lại 4 di tích với qui mô kiến trúc tương đối lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên.
Nhận thấy ý nghĩa và vai trò quan trọng của các di tích Nho học, những năm vừa qua, tại các địa phương đã tiến hành công tác nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hàng trăm di tích Nho học đã được xem xét, lập hồ sơ xếp hạng trong đó những di tích quốc gia được đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích; Một số hiện vật liên quan đến Nho học được UNESCO vinh danh trong chương trình Ký ức thế giới; Xuất bản các công trình nghiên cứu về chế độ khoa cử, văn bia, tài liệu Hán Nôm…
Đáng chú ý, ngày 15/01 vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội nghị khoa học về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Nho học Việt Nam với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, quản lý di tích Nho học khắp mọi miền đất nước. 30 ý kiến tham luận tại hội nghị khẳng định hệ thống di tích Nho học là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá cùng các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có tác động tích cực đến tiến trình phát triển của đất nước và xã hội hiện đại. Nhưng công tác bảo tồn và phát huy hệ thống giá trị di tích đặc biệt này hiện chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học để bồi dưỡng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ để bảo vệ di tích chưa được quan tâm đúng mức…
Trên thực tế, phần lớn các di tích Nho học ở nước ta được xây dựng từ rất lâu đời, vật liệu chủ yếu từ gỗ nền không thể tránh khỏi những tác động của thời tiết khắc nghiệt cũng như sự tấn công của mối mọt. Chưa kể đến là sự tàn phá của chiến tranh nên nhiều di tích đã bị phá hủy hoàn toàn.
Riêng địa bàn Thủ đô Hà Nội, hệ thống di tích Nho học cũng đang mai một dần. "Văn chỉ Đông Thọ ở phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm) biến thành nhà trẻ; văn chỉ Hữu Tiệp ở phường Ngọc Hà (Ba Đình) nay là trường học; khu thờ các vị tiên hiền ở ngõ Văn Chương (Đống Đa); văn chỉ Nguyệt Áng (Thanh Trì), Hà Khẩu (Hoàn Kiếm)… chỉ còn giữ lại chút dấu tích cổ.
Mặt khác, hạn chế lớn nhất hiện nay là các tư liệu Nho học đang tản mạn, rải rác ở nhiều nơi gây khó khăn cho công tác sưu tầm, lưu trữ; việc tuyên truyền, giới thiệu giá trị các di sản Nho học chưa được chú trọng đầu tư cả về con người, phương tiện và kinh phí; đặc biệt ở nước ta lại chưa có chuyên ngành bảo tồn các di tích, sưu tầm và lưu trữ các tài liệu liên quan đến Nho học ở tầm quốc gia…
Trước thực trạng đó, các nhà khoa học cho rằng, việc làm cấp bách hiện nay là cần phải tiến hành rà soát, kiểm kê, phân loại toàn bộ các di tích, di vật liên quan đến Nho học trên địa bàn cả nước đồng thời sớm thành lập hệ thống kho dữ liệu tại các địa phương và có một đầu mối ở trung ương. Từ đó, giới chuyên môn sẽ tiến hành nghiên cứu bài bản để nhận diện đầy đủ về số lượng, loại hình và nội dung để đưa ra phương án bảo tồn, phát huy tối đa giá trị của di sản văn hóa đặc biệt này.
Hơn nữa cần nghiên cứu tư liệu, thám sát khảo cổ để thấy rõ hình ảnh ban đầu của di tích, sự biến đổi của di tích qua từng thời kỳ; đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích phù hợp với quan điểm bảo tồn hài hòa với phát triển bền vững; nghiên cứu kỹ tình trạng kỹ thuật của các hạng mục ở di tích: cách lựa chọn vị trí xây dựng, quy hoạch mặt bằng tổng thể di tích, kiểu thức thiết kế các hạng mục, các loại vật liệu, màu sắc sử dụng cho di tích...từ đó xác định mức độ cần can thiệp để bảo tồn, tôn tạo di tích.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý di tích Nho học nên chủ động phối hợp với ngành du lịch đưa di tích Nho học lên bản đồ du lịch; ứng dụng thành tựu quốc tế về bảo quản, phục hồi di tích, di vật, nghiên cứu, sưu tầm thông tin, tư liệu; đồng thời mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ quan trong nước, quốc tế có liên quan để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin…
Hy vọng trong tương lai, với những chủ trương đúng đắn của các cơ quan quản lý, sự sáng tạo, đóng góp ý tưởng của các nhà khoa học cùng nỗ lực từ các địa phương sẽ giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích Nho học đạt được kết quả tốt đẹp, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đối với thế hệ ngày nay và mai sau./.