Khu bảo tồn cộng đồng và khả năng áp dụng tại Việt Nam

Cập nhật: 27/02/2015
Khu bảo tồn rừng cộng đồng (CCA – Community Conserved Area- CCA) được định nghĩa là khu vực hệ sinh thái rừng tự nhiên nguyên bản hoặc đã bị thay đổi được chính cộng đồng địa phương là người dân tộc thiểu số, cộng đồng bản địa và di dân tự nguyện gìn giữ, bảo vệ thông qua các luật tục hoặc các biện pháp phù hợp khác. CCA được Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đánh giá là phương thức truyền thống có đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn ĐDSH ở nhiều nơi trên thế giới.
 

Với phương thức CCA, cộng đồng đóng vai trò là bên quyết định về tổ chức, nội dung và hành động bảo tồn dựa trên mối quan tâm của họ về văn hoá, thực hành sinh kế và thỏa thuận chung về bảo vệ tài nguyên cho tương lai. Cộng đồng sẽ xác lập các thiết chế bảo vệ của họ để vừa phục vụ sinh kế, vừa đạt được mục tiêu gìn giữ những giá trị về ĐDSH (sinh cảnh sống, loài, dịch vụ hệ sinh thái) và văn hoá có liên quan.

Phương thức CCA hiện đang tồn tại ở nhiều nước như Australia, Campuchia, Philippin, Thái Lan hay khu vực Nam Mỹ. Tại đó, các khu bảo tồn rừng cộng đồng được quản lý chủ yếu dựa trên luật tục, hương ước và nhà nước không cần hoặc chỉ can thiệp rất ít. Điều quan trọng là nhà nước thừa nhận phương thức bảo tồn này và hỗ trợ, khuyến khích phát triển song hành với hệ thống khu bảo tồn do chính nhà nước đầu tư và thành lập. Việc thừa nhận này đã giúp các thiết chế và quyết định tự nguyện của cộng đồng phát huy được hiệu quả bảo tồn tích cực, giảm chi phí đầu tư bảo tồn từ ngân sách nhà nước.

Với chính sách và thực trạng quản lý rừng tại Việt Nam như hiện nay, nhà nước cần tạo cơ hội áp dụng phương thức CCA vì: (i) phù hợp với chủ trương xã hội hoá nguồn lực và khuyến khích mọi đối tượng tham gia QLBVR; (ii) tháo gỡ khó khăn cho hơn 2,2 triệu ha rừng hiện đang giao cho chính quyền cấp xã trực tiếp quản lý nhưng thiếu nguồn lực và thiết chế phù hợp; (iii) giúp nâng cao hiệu quả quản lý các khu rừng tự nhiên bị phân tán kiểu da báo, quy mô nhỏ, có nguy cơ bị lấn chiếm và mất rừng cao; (iv) nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số có đủ khả năng tự tổ chức quản lý và sử dụng rừng bền vững, nhất là rừng đầu nguồn, rừng thiêng; và (v) giúp cải tiến mô hình quản lý rừng cộng đồng ở những nơi có áp dụng chi trả DVMTR.

Để áp dụng phương thức quản lý rừng theo CCA ở Việt Nam, nhà nước cần đánh giá và nghiên cứu khả thi ở từng khu vực cụ thể, có tiềm năng. Các nội dung đánh giá nên bao gồm: rà soát chính sách pháp luật, đánh giá thể chế QLBVR, hiện trạng quản lý và sử dụng tài nguyên rừng, vai trò của luật tục và kiến thức bản địa, cam kết cộng đồng và xác định các phương án lựa chọn thực hiện.

 

Nguồn: ThienNhien.Net