Cần xây dựng nhiều sản phẩm du lịch gắn với bản sắc riêng của từng địa phương (ảnh: Biểu diễn dù bay quốc tế trên bãi biển Đà Nẵng). Ảnh: THANH LỘC
Những "vỉa tầng" tài nguyên phong phú
Bờ biển miền trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận dài 1.897 km, chiếm 65,3% tổng chiều dài bờ biển của Việt Nam (3.444 km), với hàng chục bãi biển đẹp nổi tiếng như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Lăng Cô, Non Nước, Cửa Ðại, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Ninh Chữ, Mũi Né... Trong đó có những bãi biển được khách du lịch và các tổ chức quốc tế bình chọn vào top những bãi biển đẹp và quyến rũ nhất hành tinh như: Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Non Nước (Ðà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa)...
Khu vực biển miền trung còn có hơn 500 hòn đảo ven bờ, trong đó có nhiều đảo có môi trường biển trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ động-thực vật biển phong phú, với nhiều loài thủy sinh đặc hữu... là nguồn tài nguyên tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch biển. Các đảo: Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Tre (Khánh Hòa)... từ lâu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm đến trong hành trình du lịch biển đảo Việt Nam.
Vùng duyên hải miền trung là nơi sinh tụ của hơn 10 triệu cư dân, những người có cuộc sống gắn liền với biển cả từ bao đời nay. Biển đảo miền trung không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống cho họ, mà còn là không gian để họ tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những "vỉa tầng" di sản văn hóa dày dặn, đặc sắc: hệ thống di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển...; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... mà cộng đồng cư dân biển đảo miền trung đã gầy dựng, phát triển và bảo lưu từ bao đời nay. Ðây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, du lịch biển đảo đã được chính quyền và người dân ở các tỉnh miền trung quan tâm phát triển, coi đây là một trong những "mũi nhọn kinh tế" của địa phương. Nhiều tỉnh, thành đã phố đã đầu tư vật lực, tài lực và nhân lực để tạo ra các sản phẩm du lịch biển đảo độc đáo và đa dạng nên đã thu hút du khách và đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển du lịch biển đảo ở địa phương.
Tuy nhiên, so sánh với nguồn tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn mà 14 tỉnh duyên hải miền trung đang sở hữu thì việc phát triển du lịch biển đảo ở các địa phương này chưa tương xứng, về cả quy mô, loại hình, lượng du khách và hiệu quả kinh tế - xã hội.
Hướng phát triển bền vững
Về loại hình, trong những năm qua, miền trung chủ yếu phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển ở những bãi biển danh tiếng, có kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa trong vùng. Ðây vừa là loại hình, vừa là sản phẩm du lịch phổ biến được các địa phương ưu tiên phát triển và được đa phần du khách lựa chọn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc khai thác loại hình này không cao do sản phẩm đơn điệu và có tính tương đồng giữa các tỉnh, thành nên khó kéo dài thời gian tham quan, du lịch và lưu trú của du khách. Mặt khác, do quá trình đô thị hóa nên nhiều không gian cư trú của cộng đồng cư dân ven biển bị thu hẹp, biến dạng; nhiều di sản vật thể liên quan đến văn hóa biển, nhất là những di sản văn hóa chưa được xếp hạng di tích quốc gia, đã bị xâm hại, thậm chí biến mất; nhiều lễ tục truyền thống của cư dân miền biển đã không còn được duy trì. Vì thế, loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển kết hợp tham quan di sản văn hóa ở miền trung có nguy cơ bão hòa và phát triển thiếu bền vững.
Một số địa phương như: Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết đã nhận thức được vấn đề này nên đã đầu tư phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch biển đảo mới như du lịch lặn biển, khám phá các hệ sinh thái biển, thưởng thức các trò giải trí gắn liền với biển như mô tô nước, tàu lượn, dù lượn, lướt sóng, thuyền buồm... để thu hút du khách đến và giữ chân du khách lâu hơn. Một số địa phương khác đã mở các tour du lịch đảo như Quảng Nam (đưa du khách ra Cù Lao Chàm thăm các di tích, tìm hiểu vùng dự trữ sinh quyển và khám phá hệ thủy sinh), Quảng Ngãi (đưa du khách ra đảo Lý Sơn viếng thăm di sản lịch sử - văn hóa trên đảo, tham dự lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và thưởng thức các đặc sản biển có nguồn gốc từ quần đảo Hoàng Sa và vùng biển Lý Sơn); Khánh Hòa (xây dựng tổ hợp du lịch cao cấp Vinpearl trên đảo Hòn Tre; mở các tour đưa du khách đến thăm các đảo trong vịnh Nha Trang để du khách khám phá hệ sinh thái rừng - đảo - biển và du lịch mạo hiểm trên đảo).
Năm 2013, Tổng cục Du lịch đã phê duyện đề án Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển đến năm 2020, với bốn quan điểm chính: 1) Phát triển du lịch biển nhanh và bền vững; 2) Ưu tiên phát triển du lịch biển chất lượng cao; 3) Phát triển du lịch biển phải luôn gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng; 4) Phát triển du lịch biển phải được đặt trong quan hệ phát triển tổng thể chung về kinh tế - xã hội.
Miền trung Việt Nam là vùng trọng điểm của chiến lược phát triển du lịch biển đảo Việt Nam. Do vậy, những quan điểm được nêu ra trong đề án Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển đến năm 2020 của Tổng cục Du lịch cũng là điều căn cốt mà ngành du lịch các tỉnh miền trung phải dựa vào để hình thành các giải pháp phát triển du lịch biển đảo miền trung trong những năm tới.
Ðể làm được điều này, các tỉnh miền trung phải đánh giá lại những tiềm năng phát triển du lịch biển đảo, lựa chọn tiềm năng nổi trội nhất, nguồn tài nguyên đặc sắc nhất, nhắm đến đối tượng du khách phù hợp nhất với địa phương mình để xây dựng định hướng phát triển du lịch biển đảo bền vững, với những sản phẩm đặc thù và đa dạng để hấp dẫn du khách.
Xu thế du lịch của du khách hiện nay không chỉ là đi để khám phá những vùng đất mới, mà còn là để thưởng thức ẩm thực, tham quan chiêm bái lễ hội, khám phá đời sống của cư dân và tự thân trải nghiệm trong không gian cư trú, không gian văn hóa, không gian tâm linh của cộng đồng dân cư ở điểm đến. Vì thế, muốn phát triển du lịch biển đảo một cách bền vững và hiệu quả thì cần phải chú trọng điểm này.
Ðối với cộng đồng cư dân, các tỉnh, thành miền trung cần phải chú trọng hơn nữa việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo; bảo tồn các di sản văn hóa và giá trị văn hóa biển đảo; trang bị cho họ những kiến thức pháp lý quốc gia và quốc tế liên quan đến chủ quyền biển đảo; nâng cao năng lực tham gia hoạt động du lịch biển đảo của người dân, và quan trọng nhất là hỗ trợ sinh kế cho cư dân, khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động du lịch biển đảo; chia sẻ lợi ích thu được từ hoạt động du lịch biển đảo cho cộng đồng một cách minh bạch, công bằng để người dân trở thành một trong những "trụ cột" chính để phát triển du lịch biển đảo bền vững.