Mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển của Việt Nam đến năm 2010; giới thiệu kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển giai đoạn 2015 - 2025, đồng thời thảo luận, tìm giải pháp, hành động ưu tiên gắn với tinh thần trách nhiệm và vai trò của các bên có liên quan trong việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển giai đoạn 2015 - 2025.
Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn rùa biển Việt Nam, giúp hoàn thiện kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025.
Ông Phạm Trọng Yên, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong giai đoạn tới, Tổng cục Thủy sản tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ rùa biển tốt nhất. Kế thừa kết quả giai đoạn 1, Tổng cục Thủy sản tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc phải bảo vệ rùa biển. Qua hội thảo, Tổng cục Thủy sản, IUCN, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương, đặc biệt là những cán bộ, cộng đồng trực tiếp liên quan đến bảo vệ rùa biển, đóng góp vào kế hoạch hành động sắp tới. Đây là cơ hội để công tác xã hội hóa bảo tồn rùa biển được thực hiện một cách triệt để và hiệu quả nhất, góp phần bảo vệ rùa biển của Việt Nam trong tương lai.
Trong 10 năm qua, kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển của Việt Nam đã được Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phê duyệt, đồng thời IUCN hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam cùng nỗ lực bảo vệ, bảo tồn rùa biển. Tuy nhiên để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn rùa biển tránh được nguy cơ tác động làm sụt giảm số lượng loài, suy giảm nơi cư trú, buôn bán bất hợp pháp…, cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước, IUCN, các tổ chức phi Chính phủ cũng như cộng đồng dân cư và các bên có liên quan.
Từ năm 2003, số lượng rùa biển và bãi đẻ của rùa tại Việt Nam suy giảm, hiện tại chỉ còn 3 loài lên làm tổ và đẻ trứng tại các vùng ven biển, chủ yếu là con vích, một số lượng nhỏ đồi mồi, rùa da rất hiếm. Chính sự tác động hủy diệt của con người trong quá trình phát triển, tác động của biến đổi khí hậu… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, làm mất đi bãi đẻ, ảnh hưởng lớn đến tập quán sinh sản của loài rùa, từ đó làm suy giảm lượng lớn quần thể loài thủy sinh quý hiếm này.