Một trong những điểm hấp dẫn quan trọng của Đà Nẵng đối với khách du lịch là môi trường trong sạch. Trong nỗ lực duy trì và phát huy thế mạnh này, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký ban hành Kế hoạch số 5382/KH-UBND về việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác tại các bãi biển du lịch trên địa bàn.
Theo đó, kể từ ngày 15-7 đến ngày 30-9, Đà Nẵng triển khai thí điểm xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác tại các bãi biển ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, sau đó sẽ mở rộng trên toàn khu vực bãi biển của toàn thành phố. Mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 – 100.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; 100.000 – 200.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định.
Đáng lưu ý, mức phạt đối với hành vi “tiểu đường” rất không đẹp mắt, nhưng lại rất phổ biến ở nhiều đô thị là 200.000 – 300.000 đồng. Kế hoạch 5382 nói trên cũng nêu rõ, trường hợp vi phạm bị phát hiện thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ cũng vẫn bị xử phạt.Các cơ quan chức năng của địa phương đã và đang tích cực lắp đặt các bảng khuyến cáo “Cấm xả rác”, thông báo rõ mức xử phạt và mở đợt cao điểm tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ; những du khách tham quan, du lịch, tắm biển, vui chơi giải trí. Chính quyền địa phương cũng tổ chức ký cam kết, giao phạm vi bãi biển đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tại bãi biển (chủ thầu khai thác bãi tắm nước ngọt, các hộ kinh doanh dịch vụ…) về việc thực hiện trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường bãi biển và phối hợp với Ban quản lý bãi biển trong việc thực hiện tuyên truyền cho du khách. Khi đến tắm biển ở Mỹ Khê, chúng tôi cũng đã được chủ các nhà hàng dọc bãi biển ân cần dặn trước về việc này.
Quả thực, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường là việc không chỉ cần làm với người dân địa phương, mà cả với khách du lịch. Chính lực lượng tiêu thụ nhiều hàng hóa tiêu dùng trong tâm trạng thoải mái vui tươi ở nơi - không - phải - nhà - mình này cũng là nguồn phát thải lớn khủng khiếp, như nhiều người có thể dễ dàng chứng kiến ở Phú Quốc hay thậm chí, ở Cù Lao Chàm (Hội An) - dù Cù Lao Chàm được nhiều người biết đến với chủ trương cấm ngặt túi ni-lon. Thế nhưng, không rõ vì chưa ý thức được hết quyền hạn của mình hay vì tâm lý hiếu khách (mà là các thượng đế đang đem lại nguồn thu cho tỉnh nhà/ huyện nhà) nên việc xử phạt nghiêm khắc thường ít khi được áp dụng với họ.Còn nhớ đảo quốc Singapore đã kiên quyết phạt roi những vị khách du lịch bất nhã vẽ bậy lên tàu điện ngầm của họ, bất chấp đề nghị khoan hồng từ quốc gia có “con dại”. Xả rác bậy ở tỉnh bạn đáng bị phạt tiền lắm chứ!