Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại Việt Nam: Việc làm không hề dễ

Cập nhật: 12/08/2008
Nguồn: Báo Kinh tế Việt Nam
Theo thống kê của Viện Khoa học và công nghệ môi trường - Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện cả nước có 1.450 làng nghề, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Hồng (67,3%), miền Trung (20,5%) và miền Nam (12,2%).
Hàng hoá của các làng nghề đóng góp cho xuất khẩu trung bình mỗi năm đạt gần 600 triệu USD.

Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương và nâng cao đời sống cho người dân tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên sự phát triển này cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt ô nhiễm không khí, nước đang là nguyên nhân, là mối đe doạ cho sức khoẻ của người dân và các thế hệ tương lai sống tại khu vực làng nghề.

Một cuộc hội thảo quốc tế về xử lý ô nhiễm làng nghề tại Việt Nam diễn ra trong hai ngày 31/7-1/8/2008, đã quy tụ hàng chục các nhà khoa học, nhà quản lý về môi trường ở trong nước và các chuyên gia đến từ Cộng hoà Séc. Tại đây các đại biểu đã cùng nêu lên thực trạng về ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay cũng như tìm hướng giải quyết. Thực trạng ô nhiễm tại các làng nghề:

Theo giáo sư - tiến sĩ Đặng Kim Chi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ môi trường: “Hầu hết các làng nghề hiện nay, nhiên liệu đốt dùng phổ biến là than củi và than đá nên ô nhiễm môi trường không khí do việc sử dụng nhiên liệu thông qua các sản phẩm cháy là rất lớn. Tại hầu hết các làng nghề các chỉ tiêu như: BOD, COD, SS đều lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn, các chất này không được xử lý khi thải ra môi trường sẽ phát sinh rất nhiều các chất ô nhiễm thứ cấp dạng khí: CH4, H2S, NH3... và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển”.

Tại các làng nghề do quy hoạch vẫn mang tính tự phát, chủ yếu sản xuất mang tính hộ gia đình, quy mô nhỏ, thiếu phương tiện bảo hộ lao động, công nghệ lạc hậu, thủ công, thiết bị thì chắp vá, thiếu đồng bộ, ý thức bảo vệ môi trường hầu như không được quan tâm. Nước thải, khí thải phần lớn đều không được xử lý và thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng tới không khí và nước, đặc biệt là các làng nghề tái chế giấy,kim loại, làng nghề dệt, nhuộm, đúc...

100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm. Ví dụ: Các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm... nước thải cống chung tại khu vực sản xuất chứa hàm lượng BOD5 (nhu cầu ôxy sinh hoá) rất cao, có khi lên tới 2.003 mg/lít, như làng nghề bún thôn Đoài (Bắc Ninh) hoặc hàm lượng COD (nhu cầu ôxy hoá học) cao gấp 3,2-8,93 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Còn ô nhiễm không khí chủ yếu tập trung ở các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, gốm, sứ, nhựa... ước tính tải lượng ô nhiễm không khí do đốt than để nung vôi, nung gốm, sứ từ hàng trăm lò thủ công lên tới hàng triệu m3 khí độc. Dân cư làng nghề và cả các xã khác đều phải sống chung với khói bụi, hơi nóng và khí thải độc hại của các làng nghề này. Ví dụ như làng nghề sản xuất gốm Bát Tràng, làng nghề gốm Xuân Quang (Hưng Yên), làng nung vôi Đôn Tân (Thanh Hoá), Kiên Khê (Hà Nam)...

Môi trường nước và không khí bị ô nhiễm tại các làng nghề đã tác động không nhỏ tới sức khoẻ của người lao động. Các bệnh nghề nghiệp như đường hô hấp, đau mắt, suy nhược thần kinh, bệnh ngoài da, đường ruột ngày càng gia tăng. Một số làng nghề có đặc thù sản xuất dẫn tới các bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, quái thai, nhiễm độc kim loại nặng. Thậm chí, nhiều dòng sông chảy qua các làng nghề cũng bị ô nhiễm nặng, nhiều ruộng lúa, cây trồng bị giảm năng suất do ô nhiễm khí từ các làng nghề.

Giải quyết vấn đề thế nào?

Mặc dù hoạt động bảo vệ môi trường của Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều cố gắng và chuyển biến theo hướng tích cực, tuy nhiên đối với công tác xử lý ô nhiễm làng nghề thì mới như chỉ là bước đầu.

Nhiều nhà khoa học đã vào cuộc và nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều công trình khoa học vào xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, nhưng sự lan toả chưa cao. Nhiều mô hình trình diễn đã được thử nghiệm, nhưng sau khi dự án hết thì các hộ sản xuất lại trở về thời điểm ban đầu chưa có dự án. Chủ một cơ sở tái chế giấy Hà Tây cho biết: “Chúng tôi được một dự án thông qua Viện Công nghệ môi trường - Trường đại học Bách Khoa tài trợ cho thiết bị xử lý ô nhiễm bụi nhưng chúng tôi cũng không muốn sử dụng bởi vì sử dụng thiết bị đó một tháng chúng tôi phải tốn thêm 300.000 đồng tiền điện trong khi các cơ sở sản xuất khác vẫn xả nước thải, khí bụi ra môi trường mà họ đâu có làm sao”.

Theo giáo sư - tiến sĩ Đặng Kim Chi, cần phải xây dựng quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, lấy quản lý cấp xã làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường, giáo dục nâng cao hiểu biết cho người dân làng nghề để họ nhận thức thấy cái giá phải trả do ô nhiễm môi trường đắt gấp nhiều lần so với lợi nhuận kinh tế đem lại. Để từ đó họ thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi, chung tay bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các làng nghề cũng cần phải tiếp cận với những giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch hơn nhằm phòng ngừa phát sinh chất thải và biện pháp xử lý chất thải. Trong giai đoạn hiện nay, mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất của làng nghề đạt tới mức độ cao, đòi hỏi có sự can thiệp của Nhà nước về mặt thể chế, chính sách để làng nghề phát triển bền vững. Chủ tịch Tổ chức Phát triển thế giới Cộng hoà Séc (DWW) Daniel Svoboda thì cho rằng: “Việt Nam cần phải thay đổi một số nội dung trong Luật Bảo vệ môi trường. Luật cần quy định rõ ràng hơn, chế tài phải đủ mạnh và thực thi pháp luật phải được thực hiện triệt để thì sự phối hợp của các tổ chức khoa học, bảo vệ môi trường mới có hiệu quả”.

Ông Daniel Svoboda đã giới thiệu một số kinh nghiệm mà DWW cũng như Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia Cộng hoà Séc đã trải qua: “Tổ chức của chúng tôi đã có 17 năm hoạt động và làm việc với một nguồn ngân sách hạn chế. Chúng tôi hoạt động dựa trên các nguồn tiền thu được từ phí môi trường và phí xử phạt vi phạm môi trường. Với nguồn kinh phí thu được này chúng tôi sẽ đầu tư lại cho các dự án thân thiện, cải thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng... Đặc biệt khi Cộng hoà Séc gia nhập EU thì chúng tôi đã được tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ EU phục vụ cho các hoạt động giải quyết các vấn đề về môi trường và các nguồn tiền này chúng tôi phục vụ cho 7 lĩnh vực: xử lý nước thải, giảm ô nhiễm khí thải, xử lý các gánh nặng ô nhiễm môi trường có từ trước, phân loại nước thải, xử lý chất thải công nghiệp, bảo vệ – phục hồi lại môi trường và truyền thông về môi trường. Chúng tôi cũng có một tổ chức chuyên tìm ra những thủ phạm chuyên đổ trộm rác thải và xử lý những thủ phạm này”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trương Mạnh Tiến – Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết: “Công tác hỗ trợ cho vay các dự án xử lý ô nhiễm tại các làng nghề sẽ được quỹ ưu tiên trong thời gian tới. Bên cạnh thành công của dự án hỗ trợ cho vay thay đổi công nghệ lò gốm đốt than sang lò gốm đốt gas tại làng gốm Bát Tràng - Hà Nội, thời gian tới các địa phương có nhiều làng nghề ô nhiễm như: Bắc Ninh, Bến Tre, Quảng Nam và đặc biệt là Hà Nội sau khi sáp nhập với Hà Tây sẽ trở thành địa phương có số làng nghề cao nhất của cả nước sẽ được ưu tiên giải quyết. Với đặc thù làng nghề của Việt Nam người dân chỉ chấp nhận thay đổi công nghệ mới dễ vận hành, chi phí đầu tư thấp, các lao động đều có thể tham gia, diện tích nhỏ... nên để người dân có thể tuân thủ và chấp nhận thay đổi thói quen sản xuất thì Luật Bảo vệ môi trường phải được sửa đổi, phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, các vấn đề về chế tài và thực thi pháp luật phải được thực hiện triệt để. Có như vậy thì các biện pháp, các cơ chế khác khi phối hợp mới tạo được hiệu quả cao”.