Bảo tàng thông minh - Xu thế phát triển

Cập nhật: 30/06/2017
Xã hội phát triển sẽ kéo theo nhu cầu ngày càng gia tăng của con người. Đối với việc tham quan, học tập và tìm hiểu nói riêng tại các bảo tàng cũng đang tiến tới hiện đại hóa hệ thống trưng bày, thuyết minh, giới thiệu để tạo tính tương tác cao, giúp người xem nắm bắt thông tin một cách trực tiếp trên hệ thống trình chiếu. Khái niệm và hệ thống bảo tàng thông minh hay bảo tàng tương tác thông minh cũng từ đó ra đời, đem đến ấn tượng mới trong việc thu hút công chúng.
 
Bảo tàng thông minh gồm bảo tàng hoàn toàn trên mạng hoặc bảo tàng ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn


Không còn xa lạ trên thế giới

Khái niệm bảo tàng thông minh có lẽ không còn xa lạ trên thế giới bởi tại các nước châu Âu, hầu hết các bảo tàng đã đi theo mô hình này. Hệ thống bảo tàng thông minh gồm bảo tàng trực tuyến là bảo tàng hoàn toàn trên mạng, hoặc bảo tàng truyền thống có ứng dụng công nghệ cao như công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo.

Tại Châu Á có một số quốc gia tiêu biểu ứng dụng công nghệ này như Singapore với bảo tàng Cyber, Campuchia với bảo tàng Cánh đồng chết, bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, bảo tàng Nội Mông, Tô Châu (Trung Quốc), bảo tàng nghệ thuật ảo ở Thái Lan…

Nếu nói về lợi ích và tính năng ưu việt của, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, bảo tàng thông minh không cần diện tích trưng bày lớn, không phải bảo quản hiện vật, không giới hạn thời gian tham quan. Thậm chí khách tham quan có thể thoải mái tìm kiếm thông tin liên quan đến hình ảnh, hiện vật, tư liệu được trưng bày mà không cần phải có hướng dẫn viên hay phiên dịch. Thao tác tìm kiếm thông tin cũng rất đơn giản: chỉ cần một cú chạm nhẹ trên màn hình thì mọi thông tin liên quan đã được tích hợp sẵn sẽ hiển thị.
 
 
Trên thế giới, khái niệm và hệ thống bảo tàng thông minh không còn xa lạ. Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com


Cùng với sự phát triển của bảo tàng thông minh, hiện nay, Google cũng ra mắt một ứng dụng mang tên là Arts and Culture, giúp đưa các bảo tàng đến với điện thoại thông minh. Thư viện văn hóa và nghệ thuật Arts and Culture là ứng dụng giúp bạn khám phá tác phẩm nghệ thuật, đồ tạo tác, và nhiều hơn thế nữa từ hơn 850 bảo tàng và các tổ chức trên toàn thế giới đã hợp tác với Học viện Văn hóa của Google (Google Cultural Institute) để đưa bộ sưu tập và các câu chuyện của họ trực tuyến. Đúng như tên gọi, Arts and Culture chứa đựng rất nhiều thông tin về nghệ thuật và văn hóa. Thông qua ứng dụng này, người dùng cũng có thể ghé thăm hàng trăm bảo tàng và các địa danh lịch sử khác thông qua hình ảnh dạng 360 độ được cung cấp bởi chính Google.
 
 
Thông tin số về hiện vật được ứng dụng trong trưng bày tương tác tại Bảo tàng Louver, Paris, Pháp. Nguồn: BTLSQG


Mở ra hướng phát triển mới cho hệ thống bảo tàng tại Việt Nam

Hệ thống bảo tàng tại nước ta rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên, số lượng các bảo tàng ứng dụng công nghệ hiện đại mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các bảo tàng mới chỉ dừng lại ở việc trưng bày các mẫu vật, mô hình, hình ảnh, video mà thiếu đi sự tương tác. Việc tham quan, tiếp thu kiến thức bổ ích sẽ thú vị và dễ dàng hơn nếu bảo tàng đem lại cho người xem trải nghiệm mới lạ với những thông tin được trình diễn theo nhiều hiệu ứng và đặc biệt là có khả năng tương tác.
 
 
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng tiên phong ứng dụng công nghệ 3D đầu tiên tại Việt Nam - Nguồn: thegioidisan.vn


Xuất phát từ thực tế đó, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành ý tưởng để phát triển một hệ thống bảo tàng tương tác thông minh. Hệ thống này cho phép người dùng có thể tương tác đa chạm trên một bề mặt hiển thị nội dung multimedia. Theo đó, thông tin được trình chiếu trên bề mặt tương tác dưới dạng video tự nhiên. Người dùng có thể chạm vào các đối tượng đang được hiển thị trên màn hình để tìm hiểu dữ liệu gắn liền với một danh nhân, một hiện tượng, hay một cổ vật, một di tích… Đặc biệt, du khách sẽ được nghe thông tin hướng dẫn bằng các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Việt Nam kèm theo chỉ dẫn về lộ trình, đường đi hoặc mua vé tham quan, mua quà lưu niệm thông qua hệ thống này.
 
 
Khu trưng bày khảo cổ dưới lòng tòa nhà Quốc hội. Nguồn: Tổ Quốc


Ở Việt Nam, có thể xem đây là bước tiến mới. Một số bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D trong trưng bày như tiên phong là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hay tiếp đó là Bảo tàng dân tộc học. Gần đây nhất là Khu trưng bày khảo cổ dưới lòng tòa nhà Quốc hội được xem là bảo tàng khảo cổ học đầu tiên ở Việt Nam cũng đã áp dụng công nghệ 3D trong việc trưng bày và triển lãm các hiện vật.

Năm 2017 này, tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có Khu di tích địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ được chọn để triển khai thí điểm. Sau thời gian thí điểm, hệ thống bảo tàng tương tác thông minh sẽ được nhân rộng ở các bảo tàng khác, kể cả một số bảo tàng tư nhân và các di tích lịch sử cấp thành phố và cấp quốc gia.
 
 
Trong tương lai, bảo tàng thông minh sẽ là xu thế phát triển chung của mọi quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn


Có thể nói rằng nếu như cách trưng bày truyền thống thường dễ tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho người xem thì với hệ thống bảo tàng tương tác thông minh, “diện mạo” của bảo tàng và cảm nhận của công chúng về các hiện vật, hình ảnh được trưng bày sẽ hoàn toàn thay đổi. Khách tham quan hoặc người nghiên cứu, tìm hiểu còn có thể tra cứu được cả thông tin liên quan đến hiện vật, tư liệu mình quan tâm hiện đang được trưng bày, giới thiệu ở những bảo tàng khác, bất kể đó là bảo tàng tại Việt Nam hay quốc gia nào.

Trong thời đại công nghệ thông tin, việc triển khai hệ thống bảo tàng tương tác thông minh không chỉ là cơ hội để các giá trị văn hóa, lịch sử đang lưu giữ tại bảo tàng được mang đến gần hơn với đông đảo công chúng mà còn đem lại những hiệu quả tích cực trong việc giảng dạy cho thế hệ trẻ. Đặc biệt qua mô hình này kỳ vọng sẽ góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đồng thời quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế quốc gia.
Nguồn: Cinet