Những sáng kiến được dùng để đạt được những mục tiêu của các dự án đã có một tác động tích cực đến môi trường kinh tế - xã hội và tự nhiên ở Nepal; giúp thu được những kết quả đáng kể trong việc cải thiện thu nhập cho người dân địa phương;
Bên cạnh đó, còn giảm thiểu các tác động không mong muốn của sự phát triển du lịch tới môi trường tự nhiên và văn hóa, xã hội; thúc đẩy mối quan hệ giữa du lịch và sự phát triển của địa phương; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch...
Dự án Trust đã giới thiệu một sơ đồ tổng hợp bao gồm: một nhà máy phát điện nhỏ sử dụng nguyên liệu hydro, những kho chứa dầu lửa, tòa nhà chức năng địa phương, những trung tâm cung cấp thông tin cho khách du lịch, bãi cắm trại, khu xử lý rác thải, nhà nghỉ cộng đồng, nhà vệ sinh công cộng hợp vệ sinh, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, mở rộng nghiên cứu và theo dõi những hoạt động phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường khác.
Giảm thiểu các tác động không mong muốn của du lịch tới môi trường tự nhiên và văn hóa xã hội
Nhiều cơ quan địa phương đã được thành lập làm tăng sức mạnh của việc phân quyền quản lý du lịch như: Ủy ban Phát triển cộng đồng, Ủy ban Bảo tồn và phát triển; dưới những Ủy ban này có Ban quản lý rừng, Ban quản lý Bãi cắm trại, Ban quản Dịch vụ điện hydro, Ban quản lý nhà nghỉ, Ban quản lý các nguồn nguyên liệu dự trữ và dưới đó nữa là các nhóm cộng đồng như: Nhóm các bà mẹ,... đang vận hành hiệu quả trong vùng dự án.
Dự án đã cố gắng điều tiết lượng khách bộ hành tới đây và các vấn đề về việc tập trung quá đông hay sự tắc nghẽn cũng đã giảm, tạo ra ít sức ép hơn đối với môi trường tự nhiên và xã hội. Người Gurung là nhóm chủng tộc chiếm đa số trong vùng dự án. Nền văn hóa phong phú của họ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn qua nhiều thế kỷ. Vùng dự án có tổng số dân là hơn 20.000 người và đang sở hữu những rừng đỗ quyên nguyên sinh ít ỏi còn sót lại ở Nepal và không bị ô nhiễm:
Tạo ra và duy trì thu nhập từ du lịch cho nền kinh tế địa phương
Nền kinh tế địa phương không trực tiếp nhận được các khoản tiền tài trợ từ dự án nhưng các cơ quan địa phương (các ủy ban, các ban quản lý) được trao quyền quản lý và thu lệ phí từ khách du lịch (20 USD/ 1 khách du lịch) đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn. Số tiền đó được sử dụng để bảo trì cơ sở vật chất kỹ thuật, đường xá và cho các hoạt động phát triển cộng đồng.
Ngoài ra, dự án còn đem lại thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc lao động trực tiếp cho dự án; cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch như: khuân vác, dịch vụ lưu trú, ăn uống; bán các sản phẩm thủ công truyền thống cho khách làm quà lưu niệm và cả việc tăng gia chăn nuôi, trồng trọt phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Thúc đẩy mối quan hệ giữa du lịch và sự phát triển của địa phương
Một quỹ được lập ra dùng để phân phối rộng hơn thu nhập trong vùng dự án. Cách tiếp cận này trực tiếp mang lại lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế cho những nhóm không liên quan trực tiếp đến du lịch. Ủy ban phát triển cộng đồng đã sử dụng 15% lợi tức từ du lịch cho việc bảo tồn thiên nhiên; 35% được dùng để sửa chữa và duy trì các tiện nghi du lịch và còn lại 50% được dùng để trợ giúp phát triển cộng đồng như: nâng cấp hoặc xây dựng những trường học, những hệ thống nước uống an toàn, sửa chữa đường xá… Như thường lệ, dân làng được đề nghị đóng góp từ 30 - 70% tổng chi phí chương trình, hoặc thông qua việc cung cấp lao động hoặc một phần tài chính của mỗi dự án.
Công tác giáo dục, tuyên truyền và quảng bá được thực hiện đã giúp nâng cao nhận thức của người dân đối với việc phát triển du lịch; khách du lịch cũng hiểu được những tác động của họ đến nền văn hóa, kinh tế và môi trường tự nhiên của địa phương. Khách du lịch cũng hiểu rằng họ được coi như những đối tác trong chương trình bảo tồn và phát triển du lịch của địa phương chứ không chỉ đơn thuần là nguồn thu nhập. Quan điểm này đã giúp nâng cao ý thức của khách du lịch cũng như người dân địa phương trong việc bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách du lịch
Việc phát triển du lịch ở vùng dự án đã được xem xét, lập kế hoạch và thực hiện một cách cẩn thận để đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong phạm vi dự án, các bãi cắm trại được khoanh vùng quản lý chặt chẽ, nhà nghỉ được quản lý xây dựng theo những khu vực nhất định, môi trường được bảo vệ làm tăng cơ hội lựa chọn cho khách du lịch khi đến với Nepal.
Những tuyến đường bộ hành mới được mở ra, xuyên qua các cánh rừng đỗ quyên nguyên sinh và không bị ô nhiễm, khách du lịch có thể vừa đi bộ vừa khám phá tự nhiên mà không phải bắt gặp bất kỳ một nhà nghỉ hay quán trà nào trên hành trình của họ, điều này đã thu hút rất nhiều khách bộ hành tới đây hàng năm.
BÀI HỌC VẬN DỤNG CHO VIỆT NAM
Việt Nam có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Cả nước hiện có khoảng 30 vườn quốc gia, nhiều khu vực còn bảo tồn được các khu rừng nguyên sinh và sự đa dạng sinh học. Đó là những tiền đề cho sự phát triển loại hình du lịch sinh thái nhằm phát triển du lịch tại những vùng, miền có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương từ việc bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Vấn đề đặt ra là cần phải hợp nhất quản lý du lịch, bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn tài nguyên văn hóa và phát triển cộng đồng cho lợi ích của người dân địa phương và khách du lịch.
Một số bài học từ các dự án bảo vệ thiên nhiên gắn với du lịch sinh thái ở Nepal có thể áp dụng cho Việt Nam như:
Thay đổi quan niệm của mọi người về bảo tồn và phát triển. Giáo dục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng tài nguyên từ học sinh, sinh viên và người dân địa phương đến những đoàn khách du lịch.
Thiết lập cơ chế quản lý phù hợp trong đó có sự tham gia của người dân địa phương theo phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" để có thể quản lý tài nguyên và hoạt động du lịch hiệu quả. Đảm bảo tính thống nhất giữa các cơ quan quản lý. Quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng và hoạt động của các cơ sở dịch vụ trong vùng dự án, tránh tình trạng xây dựng ồ ạt, lấn chiếm đất công, phá vỡ cảnh quan tự nhiên và làm mất cân đối cung cầu trong vùng dự án.
Xây dựng chính sách phù hợp nhằm phân phối rộng rãi hơn thu nhập du lịch. Thu nhập du lịch phải được sử dụng để duy trì hoạt động du lịch và phát triển cộng đồng địa phương như: đầu tư nâng cấp hệ thống "điện, đường, trường, trạm", tránh tình trạng thu nhập chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ còn đa số người dân địa phương không được hưởng lợi gì từ việc phát triển du lịch.
Sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế như: điện mặt trời, điện sản xuất bằng nguyên liệu khí bio-gas, sử dụng khí bio-gas sản xuất từ chất thải chăn nuôi để đun nấu thay thế cho nhiên liệu than đá và gỗ, vừa giúp bảo vệ môi trường vừa bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các trường học, trong cộng đồng địa phương và khách du lịch. Xây dựng mối quan hệ "đối tác" giữa khách du lịch và cộng đồng địa phương nhằm bảo vệ tài nguyên và phát triển du lịch bền vững.
Bảo tồn, quản lý và phát triển đa dạng sinh học, cân bằng nhu cầu của con người với sức chứa của môi trường làm nền tảng cho sự phát triển - đảm bảo sự tham gia tối đa của cộng đồng với nghĩa vụ hiểu biết về mối quan hệ giữa kinh tế, môi trường và đạo đức thông qua một quá trình bao gồm cả những người trực tiếp tham gia dự án và những người được hưởng lợi từ dự án.
Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống của địa phương phục vụ nhu cầu của khách du lịch như: sản xuất đồ lưu niệm, chăn nuôi, trồng trọt... Tạo ra và duy trì thu nhập cho người dân địa phương.