Triển khai “Tháng hành động về môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2018), ngày 2/6, tại Quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, Trung tâm Sống, Học tập vì Môi trường và Cộng đồng Live & Learn tổ chức chương trình “Ngày hội Sống xanh.”
Tham gia Ngày hội có khoảng 1.000 người, trong đó có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, trường học và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Đặc biệt là sự có mặt của đại diện các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam như Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Italy, Sri Lanka.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở cho biết, với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon,” Ngày Môi trường Thế giới năm nay kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa, hướng đến nền kinh tế mới, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, giảm thiểu phát thải và phát triển bền vững.
Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái Đất 4 lần; có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới, song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.
Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
Trước thực trạng đó, thông qua “Ngày hội Sống xanh” với các hoạt động cụ thể và thiết thực, Hà Nội đã thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực trong việc kêu gọi cộng đồng tiêu dùng tiết kiệm, bền vững, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng năng lượng, công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, thu gom rác thải điện tử và hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế xanh, hướng đến một Hà Nội xanh và bền vững, khỏe mạnh và đáng sống.
Với các gian trưng bày, giới thiệu các sáng kiến xanh, doanh nghiệp xanh, các sản phẩm thân thiện với môi trường và một số trò chơi dân gian có ý nghĩa bảo vệ môi trường, chuỗi sự kiện trong “Ngày hội Sống xanh” là nỗ lực gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức, nhóm cộng đồng, trường học và doanh nghiệp.
Sự kiện này cũng giúp người dân trên địa bàn thành phố có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ, những kiến thức hữu ích về bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa.
Tại “Ngày hội Sống xanh,” bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm, trách nhiệm đến vấn đề môi trường ở Hà Nội nói riêng và sự phát triển bền vững của Hà Nội nói chung.
Bà cũng đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội và những tiến bộ đã đạt được trong thời gian gần đây về môi trường.
Nhân dịp này, bà Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam, cho biết đại diện các Đại sứ quán và các cơ quan đối tác quốc tế đã làm việc tích cực để thực hiện một chiến dịch truyền thông rộng rãi về chống ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Đáng chú ý, đại diện của 41 Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế sẽ cũng nhau ký Bộ Quy tắc ứng xử chống ô nhiễm nhựa với cam kết: Giảm thiểu chất thải nhựa bằng cách cải thiện các quy định nội bộ, vận động sự hưởng ứng của các cán bộ, nhân viên, khuyến khích các đối tác áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.
Qua đó, các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam mong muốn được cộng tác với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, khối doanh nghiệp và các đối tác khác tiếp tục các nỗ lực chung giảm thiểu chất thải nhựa tại Việt Nam.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã cam kết sẽ loại bỏ dần việc sử dụng túi nilon và thay thế bằng các vật liệu khác bền vững hơn.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, “Tháng hành động về môi trường” được các quận, huyện, thị xã triển khai hưởng ứng từ ngày 15/5/2018 đến ngày 31/7/2018 bao gồm chuỗi các hoạt động như: Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước; đẩy mạnh việc kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao…
Cùng với đó, các ngành chức năng và địa phương tổ chức biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng trong sáng 2/6, cùng với thành phố Hà Nội và quận Hai Bà Trưng hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường,” Ủy ban Nhân dân phường Phạm Đình Hổ đã có những hoạt động tích cực, thiết thực để bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh-sạch-đẹp; khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân trên địa bàn cùng chung sức đồng lòng vì một môi trường sống thân thiện và bền vững.
Ngay sau lễ phát động, Ủy ban Nhân dân phường cùng các đơn vị chức năng, đoàn thể đã tiến hành kiểm tra tất cả các tuyến phố về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Các trường hợp vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định.
Hội Cựu chiến binh và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tiếp tục vận động hội viên ra quân tổng vệ sinh môi trường sáng thứ 7 hàng tuần; Đoàn Thanh niên phường duy trì hoạt động hàng tuần bóc, xóa, xé quảng cáo rao vặt gây mất mỹ quan đô thị.
Ủy ban Nhân dân phường phối hợp cùng Xí nghiệp Thoát nước số 3 tổ chức khơi thông cống rãnh thoát nước lề đường các tuyến phố, nạo vét các công thoát nước ngõ xóm đảm bảo không để các điểm tù đọng nước thải gây mất vệ sinh môi trường. Thời gian thực hiện xong trước mùa mưa bão năm 2018.