Du lịch và môi trường: Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất

Cập nhật: 25/07/2018
Chúng ta nói nhiều về du lịch và môi trường. Hai lĩnh vực “tuy hai mà là một” có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ với nhau. Nếu môi trường sạch đẹp thì du lịch cũng vì thế mà được “thơm lây”. Ngược lại, du lịch không có trách nhiệm thì dẫn tới môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và dễ dẫn tới cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Sau mỗi sự kiện, lễ hội là đường phố ngập rác, chủ yếu là túi nylon, chai – ly nhựa…

Phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất.

Bà Hồ Thị Kiều, một chuyên gia đang làm việc cho tổ chức phi Chính phủ về môi trường tại Việt Nam mà PV mới có dịp gặp mới đây cho rằng: “Để đảm bảo môi trường trong sạch thì việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương và cả du khách là điều cần làm. Đầu tiên là từ những việc nhỏ nhất, như không xả rác bừa bãi”. Nhưng không tuyên truyền chung chung hay theo kiểu “đao to búa lớn” mà phải đi vào từng hành động cụ thể hơn, như không vứt tàn thuốc, nói không với túi nylon…, bà Kiều chia sẻ.

Ví dụ, khi một người hút thuốc, nếu họ bỏ tàn thuốc vào sọt rác… thì đó là hành động không xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, hiện nay, có tới 99% người hút thuốc đều vứt tàn thuốc tứ tung, khắp nơi. Hay đơn cử những người đi chợ mua sắm vẫn xài túi nylon một cách vô tội vạ, từ những vật dụng nhỏ nhất.

“Nhìn rộng hơn một chút, đến các điểm - khu du lịch, sau mỗi ngày đông nghẹt người, cái còn lại là bãi rác kinh hoàng. Hình ảnh này dễ bắt gặp nhất ở các điểm du lịch công cộng, như công viên, bãi biển, quảng trường…”, bà Kiều chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quang Thắng, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng nhận định: “Một khi thành phố hay địa phương không thấy túi nylon, tàn thuốc hay rác thải vứt bừa bãi mà thay vào đó là cảnh xanh sạch đẹp, với hương thơm của cây cỏ, hoa lá thì khách du lịch sẽ ấn tượng rất nhiều. Đây là điều dễ bắt gặp tại các thành phố, miền quê của châu Âu. Đó cũng là cách biểu hiện của văn minh con người nơi đó”.;

“Còn nếu đến một điểm mà đầy rác thải, sự ô nhiễm gia tăng, người ta cũng hiểu rằng, trình độ dân trí và văn hóa ứng xử với môi trường tại điểm đó là cực kỳ kém. Tuy nhiên, đây là những việc hoàn toàn có thể khắc phục được, chính từ việc nhỏ nhất, như không xả rác bừa bãi, nói không với túi nylon… Hãy biến mỗi người dân thành những đại sứ du lịch - môi trường và ứng xử có văn hóa, văn minh với môi trường xung quanh. Đó vừa là bảo vệ lợi ích của chính họ và cuộc sống của chúng ta, từ đó du lịch sẽ thơm lây”, chuyên gia này khuyến nghị thêm.

Đừng để những điểm đến đẹp, thân thương, mộc mạc như thế này chết vì túi nylon, tàn thuốc, chai nhựa…

“Phát” nhiều nhưng chưa “động” mạnh

Tại Việt Nam, đã có lúc, có nơi, có đơn vị… vào cuộc và hành động vì du lịch có trách nhiệm với môi trường. Điển hình với chương trình “Go Green”, Vietravel đã mang nhiều “đại sứ” đến các địa phương và trong đó, khách du lịch cũng được tuyên truyền với ý nghĩa, du lịch có trách nhiệm với môi trường. An Giang, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Thừa Thiên Huế… là những nơi mà “Go Green” đã “quét” qua, đồng thời để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong việc tuyên truyền, bảo vệ môi trường.

“Du lịch có trách nhiệm với môi trường là mục tiêu của chiến dịch “Go Green” mà Vietravel đã và đang triển khai. Sạch là không xả rác, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, chung tay đồng hành cùng dự án xã hội thiết thực này của Vietravel để dự án không ngừng lớn lên trong cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường du lịch nói riêng và môi trường sống nói chung”, đại diện Công ty Vietravel cho biết.

Hay tại Hội An (Quảng Nam), thời còn đương chức Bí thư Thành ủy Hội An (2013), ông Nguyễn Sự đã khẳng định: “Đến bây giờ có thể nói nhân dân Cù Lao Chàm không sử dụng túi nylon nữa, thay vào đó, họ sử dụng những vật liệu khác. Ví dụ như giấy hay các loại lá môn, lá chuối để gói đồ, đựng thức ăn. Rồi đi chợ, người ta dùng giỏ, chứ không dùng túi nylon nữa... Điều đó trở thành ý thức thường xuyên trong người dân Cù Lao Chàm”.

“Sau hai năm thực hiện, tôi có thể nói môi trường Cù Lao Chàm nay đã sạch hẳn. Biển sạch, san hô đến bây giờ mọc trở lại. Trước đây, do túi nylon quấn vào nên san hô chết hết, nay san hô mọc sát vào trong bờ. Đây là một thành công của việc không sử dụng túi nylon tại Cù Lao Chàm”, nguyên Bí thư được nhiều người yêu mến cho biết.

Đến nay, sau “nói không với túi nylon”, người dân đảo Cù Lao Chàm cũng đang “nói không với ống hút nhựa” để hướng tới mục tiêu “Vì một Cù Lao Chàm không có rác thải nhựa”. Quả là điều đáng mừng. Xin được nhắc lại là Cù Lao Chàm - Hội An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới gần 10 năm nay.

Nhìn rộng ra, trên thế giới hiện có rất nhiều quốc gia đã nói không với túi nylon, đặc biệt có nơi phạt cực nặng cho hành động này. Điển hình như Kenya, đưa ra một đạo luật (công bố ngày 28/8/2017) được đánh giá là “nặng nhất thế giới” với mức phạt có thể lên tới 4 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 40 ngàn USD (tương đương khoảng hơn 900 triệu đồng) liên quan tới việc sử dụng túi nylon.

Theo thống kê, trên thế giới đã có khoảng 40 quốc gia nói không và có luật cấm sử dụng túi nhựa nói chung. Trong đó, đáng ngạc nhiên là có nhiều quốc gia đến từ khu vực châu Phi: Cameroon, Guinea-Bissau, Mali, Tanzania, Uganda, Ethiopia, Malawi, Mauritania…. 

Phải chi nơi đâu cũng được như Cù Lao Chàm hay Kenya và Vietravel… Phải chi các mô hình này được nhân rộng.

 

Hãy bắt đầu từ “Nói không với túi nylon”

Hoàng Thảo, người sáng lập dự án “Nói không với túi nylon” tại Việt Nam: “Chỉ đơn giản là, hãy khuyến khích khách hàng của các bạn không sử dụng túi nylon của cửa hàng khi mua hàng nữa, mà thay vào đó hãy mang theo túi của mình để dùng nhiều lần, và mỗi lần mua hàng, khách sẽ được giảm 5 ngàn đồng cho hành động đó! Tuy số tiền này không nhiều, nhưng nó sẽ nhắc nhở tất cả rằng, chúng ta đang đóng góp vào việc bảo vệ môi trường của mình!”.

 

Nguồn: baodulich.net.vn