Trong
lĩnh vực du lịch, môi trường được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp
đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Từ đó, quyết định đến khả
năng thu hút du khách và sự tồn tại của hoạt động du lịch.
Vì vậy, để tập trung khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về du lịch, trong những năm qua, ngoài việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, thành phố Lạng Sơn còn rất quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị. Một trong những phương pháp mang lại hiệu quả thiết thực mà thành phố Lạng Sơn đã và đang triển khai thực hiện là: Huy động cộng đồng bảo vệ môi trường.
Năm 2006, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) và Liên đoàn các đô thị Canada (FCM), thành phố Lạng Sơn đã hợp tác với 2 thành phố: Frederition (Canada) và Ubon Ratchathani (Thái Lan) - là những thành phố có ngành du lịch phát triển để thực hiện dự án về: "Phát triển du lịch thông qua huy động cộng đồng". Trong quá trình thực hiện dự án, các chuyên gia đến từ Canada và Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cán bộ của thành phố thực hiện một số công việc như: Xây dựng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2010 với sự tham gia của cộng đồng nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của thành phố để phát triển du lịch và dịch vụ; Biên soạn và phát hành tờ rơi và sách hướng dẫn du lịch nhằm phục vụ mục đích xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tại địa phương; Thành lập các Trung tâm thông tin du lịch, lập bản đồ du lịch, làm biển chỉ dẫn du lịch cung cấp thông tin cho khách du lịch đến địa phương; Thực hiện chương trình "Thành phố sạch" với mục tiêu huy động sự tham gia của các ngành, các cấp và của cả cộng đồng dân cư làm cho thành phố trở nên xanh - sạch - đẹp hơn. Thực hiện chương trình "Nhà hàng sạch" với mục tiêu xây dựng hệ thống nhà hàng có khả năng cung cấp dịch vụ ẩm thực đảm bảo chất lượng, phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế.
Đánh giá kết quả thực hiện, các chuyên gia quốc tế đã ghi nhận những thành công bước đầu của dự án. Điều đó được thể hiện ở sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, ngành chức năng của thành phố trong việc triển khai thực hiện dự án, do vậy đã hoàn thành tốt các nội dung công việc theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, việc thực hiện chương trình "Thành phố sạch" và "Nhà hàng sạch" đã huy động được sự tham gia của một bộ phận dân cư trong cộng đồng; Có biện pháp giảm thiểu một số khu vực bị ô nhiễm môi trường; Xây dựng kế hoạch, quy hoạch các điểm tập kết, xử lý rác thải và các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, du khách trong và ngoài nước đến với Lạng Sơn ngày càng nhiều, năm 2006 tăng 10,7% so với năm 2005, năm 2007 tăng 13,7% so với năm 2006, và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn đã tăng 33% so với cùng kỳ...
Bên cạnh đó, nhằm giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường du lịch, từ tháng 4/2008, thành phố đã chỉ đạo các phường, xã hàng tháng tổ chức "Ngày tổng vệ sinh trên địa bàn" với nội dung yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn thành phố và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện việc quét dọn, tổng vệ sinh, thu gom rác thải trên đường phố, ngõ xóm, các khu vực công cộng. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác chỉnh trang đô thị, vận động nhân dân đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng công cộng, bê tông hoá đường ngõ xóm, đường GTNT,... Thành phố cũng đã ban hành quy định về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường chung của thành phố. Qua đó, nhằm lưu lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách muôn phương về một thành phố ở cửa ngõ vùng Đông Bắc của Tổ quốc không chỉ phát triển sôi động mà còn có môi trường du lịch văn minh, sạch đẹp.