Nằm trong vòng xoáy của sự phát triển, khu phố cổ Hà Nội cũng đang đứng trước những thách thức bảo tồn và phát triển trong quá trình hội nhập toàn cầu.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của đô thị lịch sử là mục tiêu của nhiều quốc gia nhằm phát triển đô thị theo hướng thương mại, du lịch, dịch vụ một cách bền vững mà vẫn phát huy được các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Nằm trong vòng xoáy của sự phát triển, khu phố cổ Hà Nội cũng đang đứng trước những thách thức bảo tổn và phát triển trong quá trình hội nhập toàn cầu.
Tại hội thảo quốc tế “Bảo tồn cảnh quan đô thị lịch sử trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ thông tin” do Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng), Hội Kiến trúc sư Hà Nội cùng UBND Quận Hoàn Kiếm tổ chức vừa qua, các chuyên gia, nhà khoa học đều nhận định rằng, khu phố cổ Hà Nội (36 phố phường) là một quần thể kiến trúc độc đáo, đa dạng, sinh động với nhà hình ống xen kẽ, hòa quyện vào nhau. Khu phố cổ Hà Nội cũng chính là nhân tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội, là di sản đô thị vô cùng quý báu cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống đô thị hiện đại.
Phố cổ Hà Nội là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. (Ảnh: Nguyên Sơn/hanoimoi.com.vn)
Phố cổ Hà Nội lưu giữ một kho tàng di sản 112 di tích lịch sử - cách mạng kháng chiến và tín ngưỡng tôn giáo, nhiều di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Khác với các phố cổ trên thế giới, phố cổ Hà Nội không phải là di tích tĩnh mà là một di sản đô thị với quần thể kiến trúc độc đáo, những phố nghề thủ công truyền thống lâu đời cùng những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân đã là nét đẹp vốn có của người dân Thủ đô. Với đặc thù có cư dân sinh sống trong lòng di sản, giải pháp nào để bảo tồn, phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống của Khu phố cổ vẫn còn nhiều thách thức.
Trong thực tế, dưới tác động của cơ chế thị trường, giá trị đất ở trong khu phố cổ tăng cao, cơ hội kiếm lợi từ đất đai đã khiến nhiều gia đình không muốn rời bỏ mảnh đất này; đồng thời, nhiều gia đình từ nơi khác cũng mong muốn có nhà ở khu vực này để thuận lợi trong việc kinh doanh, buôn bán. Vì vậy, ngoài việc thay đổi về kiến trúc, trên lĩnh vực ngành nghề truyền thống, phong tục, tập quán cũng có nhiều thay đổi.
Theo số liệu khảo sát của TS. Saori Kishihara (Đại học Tokyo – Nhật Bản), từ đầu những năm 2000 đến nay cảnh quan kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội đã được bố trí lại, những công trình cao tầng và khách sạn mọc lên nhiều hơn. Các cửa hàng thương mại – dịch vụ đã theo hình thức kinh doanh mới đã thay thế các cửa hàng bán sản phẩm thủ công truyền thống trước đây, ở phố Hàng Bạc, 40% công trình trên phố này đã được thay đổi kiến trúc và cách bài trí.
Việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống khu phố cổ vẫn là bài toán khó. Những giải pháp giàu tính khả thi được các nhà nghiên cứu đưa ra là những gợi mở đối với các cơ quan quản lý trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong bảo tồn những giá trị cảnh quan văn hóa ở Tokyo, Nhật Bản, GS. Aya Kubota – Đại học tổng hợp Tokyo, Nhật Bản cho biết: Sau thời kỳ Edo, Tokyo bước vào thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ. Các nhà kiến trúc Tokyo phải đưa ra dự án quy hoạch đô thị và tái phát triển Tokyo. Bên cạnh những tòa nhà chọc trời và công trình khổng lồ, Tokyo vẫn tìm mọi cách giữ lại khu thành cổ Edo và tạo cho nó ranh giới bảo vệ, cách biệt với khu vực hiện đại.
Theo giáo sư GS. Aya Kubota, Tokyo từ thời Edo đã là một khu vực có diện tích mặt nước lớn. Cho đến ngày nay các không gian cảnh quan cây xanh mặt nước vẫn được coi trọng trong quá trình phát triển thành phố. Ngay trong các khu vực dân cư của Tokyo cũng cố gắng đưa vào trong đó các không gian mở, không gian xanh. Ngày nay tại Tokyo, mỗi quận có một trường tiểu học kết hợp với công viên nhỏ, không gian cây xanh mặt nước không chỉ mang giá trị cảnh quan mà còn là nơi tập trung, sinh hoạt của mọi người.
Nói về thực tế cũng như những thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn khu phố cổ Hà Nội hiện nay ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, người gắn bó với công tác bảo tồn khu phố cổ Hà Nội cho biết: Công tác bảo tồn khu phố cổ Hà Nội hiện nay có lực hút lớn đối với đầu tư bất động sản, phát triển du lịch, thương mại, có sự thay đổi lớn về thành phần dân cư và cơ cấu đầu tư, do đó cần một mô hình quản trị năng động hơn. Việc bảo tồn khu phố cổ hiện nay cũng nhận được sự tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp.
Tuy việc thay đổi về cách bố trí cảnh quan kiến trúc của khu phố cổ để phù hợp với nhu cầu cuộc sống của người dân là tất yếu, nhưng cần phải hợp lý về thiết kế kiến trúc, đảm bảo sự hài hòa giữa cái mới và cái cũ, mà ở đó người dân vẫn có thể khai thác được những giá trị kinh tế để phục vụ cuộc sống. Ngoài ra, ông Phạm Tuấn Long cũng nhấn mạnh, để gìn giữ được giá trị này cần sự chung tay, góp sức của giới nghiên cứu, các cơ quan quản lý và cả cộng đồng.
Theo GS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Khu phố cổ Hà Nội là một khu phố mang đậm bản sắc văn hóa bản địa và là nét văn hóa quan trọng cho cảnh quan đô thị Hà Nội. Đã nhiều thế kỷ với những thăng trầm lịch sử nhưng nhờ tính chất dân gian, mà khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Mặc dù trải qua các đợt trùng tu nhưng vẫn bảo tồn được nét văn hóa lịch sử, những bản sắc hấp dẫn toát lên từ những tuyến phố đi bộ, hấp dẫn từ các di tích…
PGS.TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông cho rằng: Với khu phố cổ Hà Nội, những thay đổi về cảnh quan kiến trúc, thay đổi về thiết kế đô thị là để thích ứng với xu thế toàn cầu hóa. Tính chất dân gian linh hoạt của khu phố cổ Hà Nội giúp thành phố thích ứng được với những thay đổi lớn lao của toàn cầu hoá, luôn giữ được bản sắc đô thị lịch sử.
Hồng Ngọc