Phát triển kinh tế biển bền vững - Kiên quyết hạn chế tác động xấu đến môi trường

Cập nhật: 23/10/2008
Những năm qua, hoạt động kinh tế biển Hải Phòng khá sôi động mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào hạn chế tác động xấu đến môi trường từ hoạt động kinh tế biển mà vẫn phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển của thành phố, bảo đảm phát triển bền vững?.


Báo động ô nhiễm nguồn nước biển

 

Hàng nghìn m³ bèo tây dạt vào khu du lịch Đồ Sơn gần đây khiến Công ty Công trình công cộng du lịch và dịch vụ Đồ Sơn phải huy động hàng trăm công nhân vớt bèo, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các bãi tắm.

 

Trước đó, cá lồng bè trên biển Cát Bà chết hàng loạt khiến người nuôi thủy sản lao đao. Thường xuyên hơn là tác động từ hoạt động của các cảng biển, phương tiện giao thông đường thủy nội địa và hàng hải bị cản trở bởi sa bồi, xói lở bờ biển do phát triển không theo quy hoạch đầm nuôi thuỷ sản dọc hai bên sông Cấm, sông Bạch Đằng…

 

Thực tế, mỗi ngày tàu ra vào cảng biển Hải Phòng và hai khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà có tới hàng trăm lượt, vận chuyển số lượng lớn hàng hoá, hành khách. Các phương tiện thải ra sông, biển hàng nghìn tấn chất thải công nghiệp và sinh hoạt như cặn dầu, nước ba-lát rửa tàu, các chất thải rắn dạng hạt nhỏ... Trong khi, việc thu gom rác không đáng kể. Chỉ một số tàu biển lớn tuân thủ các điều khoản quy định về bảo vệ môi trường (trên tàu có thùng chứa rác, mỗi khi tàu vào cảng, đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường ở cảng sở tại đến thu gom). Còn hầu hết các phương tiện thủy nội địa đều thiếu bộ phận thu gom chất thải, trong khi ý thức chấp hành quy định vệ sinh môi trường của các chủ phương tiện này chưa cao, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường vùng nước cảng biển và các khu du lịch.

 

Tại khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà, tình trạng các chủ phương tiện vi phạm quy định về môi trường biển cũng không ít. Ở Bến Nghiêng, Đồ Sơn thường xuyên có hàng chục tàu du lịch vận chuyển khách ra đảo Hòn Dáu hoặc Cát Bà. Nhưng điều đáng nói là một số tàu thiếu thùng rác, nhà vệ sinh nên rác thải thường xả thẳng xuống biển. Cách đó vài trăm mét, bãi tắm Khu Hai, nơi tập trung nhiều người tắm biển nhất khu du lịch Đồ Sơn, thỉnh thoảng lại bắt gặp  váng dầu, chất thải trôi nổi. Tại khu du lịch Cát Bà, mỗi ngày Tùng Vụng, Bến Bèo đón hàng nghìn tàu đánh cá, tàu khách, tàu chở dầu, lồng bè. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Hầu hết các lồng bè, tàu thuyền hoạt động ở đây đều xả thẳng nước và chất thải xuống biển (kể cả phóng uế trực tiếp xuống biển). Nước biển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi các ngành chức năng chưa có quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè hoặc chưa có biện pháp quản lý hoạt động này. Hậu quả là có nhiều ngày nước biển ở Bến Bèo, Tùng Vụng biến màu, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng xấu đến môi trường và hoạt động du lịch nơi đây. Nước bẩn không chỉ gây bẩn mà còn thiệt hại tới du lịch, làm chết các rạn san hô và các sinh thể ở các tầng nước biển...

 

Môi trường biển còn chịu tác động của các hoạt động công nghiệp, dân sinh dọc theo các tuyến sông, ven biển, đảo. Chất thải công nghiệp, sinh hoạt từ các khu đô thị, công nghiệp không được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để xả thẳng ra sông và biển. Biển là nơi cuối cùng phải "gánh chịu" hậu quả, chưa kể hàng loạt khách sạn, với các hoạt động dịch vụ ở các khu du lịch biển ngày đêm thải ra biển lượng không nhỏ nước và rác thải chưa qua xử lý.

 

Vẫn là ý thức con người

 

Thực hiện Nghị quyết 32 và Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, bên cạnh đẩy mạnh các dự án đầu tư phát triển kinh tế biển, thành phố luôn quan tâm gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững. Các cơ quan chức năng thành phố kiên quyết xử lý các vụ vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường. Nhiều vụ nhập tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, vận chuyển trái phép chất thải công nghiệp từ nước ngoài qua cảng Hải Phòng đã bị xử lý; bắt buộc vận chuyển số lượng lớn hàng hóa mang tính chất rác thải công nghiệp, vi phạm công ước Basel ra khỏi lãnh thổ Việt Nam...Hải Phòng là một trong 4 thành phố triển khai các dự án về môi trường như: tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường do tổ chức VCEP- Canada tài trợ; quản lý tổng hợp môi trường biển và ven biển Đông; quy hoạch tổng hợp giao thông thành phố do EC tài trợ và đề xuất của các trường đại học danh tiếng của Bỉ, Hoa Kỳ, Hy Lạp và Việt Nam gắn phát triển giao thông, phục vụ CNH, HĐH thành phố với bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong việc hạn chế những tác động xấu đến môi trường biển từ các hoạt động kinh tế biển, cũng như việc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường biển. Hiện nay phần lớn chủ phương tiện đường thuỷ nội địa, nuôi trồng thuỷ sản không tuân thủ quy định về môi trường. Chính quyền địa phương vùng ven biển, đảo chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, triển khai biện pháp bảo vệ môi trường. Hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng xử lý các vụ vi phạm về môi trường biển hạn chế bởi  lực lượng chuyên ngành mỏng, trong khi phạm vi hoạt động kinh tế biển  quá rộng.

 

Để  phát triển và bảo vệ môi trường biển Hải Phòng ổn định vững chắc, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi người dân, từng đơn vị, địa phương, coi biển là nguồn sống, "lá phổi" của chính cơ thể mình. Xây dựng nếp sống văn minh, tự giác chấp hành quy chế bảo vệ môi trường biển, không xả rác bừa bãi, hạn chế thải chất bẩn chưa qua xử lý ra môi trường. Các công trình xây dựng ven biển, hoạt động du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí ven biển, trên biển bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm nước thải không gây ô nhiễm theo quy định, đồng thời, đẩy mạnh trồng rừng ven biển, bảo vệ môi trường bền vững. Cơ quan chức năng sớm nghiên cứu điều chỉnh quy chế bảo vệ môi trường biển.      

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường