Xu hướng du lịch sinh thái - một loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, giúp bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống bản địa - đang tăng mạnh.
Khách du lịch và cả các cư dân địa phương đều thu được lợi ích khi tham gia du lịch sinh thái. Ngày càng có nhiều người tìm đến với loại hình du lịch này, song đôi lúc chính họ không thể phân biệt được giữa du lịch thông thường và du lịch sinh thái.
Việc định nghĩa “Du lịch sinh thái” đã trở thành một yêu cầu khó khăn đối với tất cả những người cố gắng làm điều này. Con người thường có xu hướng định nghĩa sự vật theo chiều hướng mang lại lợi ích cho mình, do đó nảy sinh rất nhiều định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, có một vài định nghĩa khả thi được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Theo Tổ chức du lịch sinh thái quốc tế: “Du lịch sinh thái là chuyến du hành có trách nhiệm, đến những khu vực tự nhiên, gìn giữ bảo vệ môi trường và góp phần cải thiện phúc lợi xã hội cho người dân địa phương”. Còn Ủy ban chiến lược du lịch sinh thái quốc gia Australia cho rằng: “Du lịch sinh thái là chuyến du lịch tự nhiên bao gồm việc giáo dục, giải thích về môi trường tự nhiên và quản lý bền vững về phương diện sinh thái”.
Sau khi xuất bản thành công cuốn sách “Du lịch sinh thái và phát triển bền vững”, định nghĩa của nhà nghiên cứu Martha Honey đã trở thành tiêu chuẩn và được sử dụng rộng rãi cho nhiều tài liệu giới thiệu hay nghiên cứu về du lịch sinh thái. Martha Honey đề cập đến 7 điểm sau:
1. Những địa điểm du lịch tự nhiên: Những địa điểm du lịch sinh thái thường là vùng sâu vùng xa, có thể là hoặc không phải là nơi định cư của một cộng đồng nào đó, và thuộc một khu vực tự nhiên được bảo vệ ở cấp quốc tế, quốc gia, cộng đồng hay do một cá nhân đứng ra.
2. Hạn chế những tác động: Du lịch thông thường dễ gây ra những tác động tiêu cực. Du lịch sinh thái cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực gây ra từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng như khách sạn, đường đi và các công trình khác bằng việc tái sản xuất những chất liệu dồi dào có sẵn trong tự nhiên, những nguồn năng lượng và tài nguyên có khả năng tái tạo, rác tái chế và không gian kiến trúc mang tính tự nhiên, văn hoá. Việc này cũng đòi hỏi phải kiểm sóat số lượng và hành vi của khách du lịch để đảm bảo việc hạn chế các tác hại đối với hệ sinh thái.
3. Xây dựng nhận thức về môi trường: Du lịch sinh thái thường gắn với giáo dục, dành cho cả khách du lịch và những người cư trú ở các cộng đồng lân cận. Bởi vậy trước mỗi chuyến khởi hành, những người tổ chức nên cung cấp cho khách du lịch đọc những sách báo nói về đất nước, môi trường và người dân địa phương, cũng như một quy định hướng dẫn cho cả khách du lịch và các ngành công nghiệp. Những thông tin này sẽ giúp cho việc tổ chức các tour du lịch nhằm tìm hiểu về con người và vùng đất mới giảm thiểu những tác động tiêu cực, đặc biệt khi thăm quan những môi trường và vùng văn hoá nhạy cảm.
Điều cần thiết đối với một chuyến du lịch sinh thái tốt là phải có được hướng dẫn viên được đào tạo kỹ càng, biết thổ ngữ và có những hiểu biết về lịch sử tự nhiên, văn hoá, có tư chất tốt cũng như có khả năng diễn giải và giao tiếp hiệu quả.
Khi xây dựng các dự án du lịch sinh thái cũng nên chú ý việc giáo dục các thành viên của những cộng đồng dân cư xung quanh. Nên tổ chức cho họ những chuyến tham quan mang tính chất giáo dục miễn phí hoặc ưu đãi.
4. Cung cấp lợi ích tài chính trực tiếp cho việc bảo tồn: Du lịch sinh thái giúp gây quỹ cho công tác bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu và giáo dục thông qua phí vào cửa công viên hay khu vực bảo tồn, vườn quốc gia, ... và những đóng góp từ thiện.
5. Cung cấp lợi ích tài chính và quyền hợp pháp cho người dân địa phương: Các vườn quốc gia và khu bảo tồn chỉ tồn tại khi có được những “cư dân hạnh phúc” trong vùng lõi và vùng đệm của nó.
Điều này có nghĩa cộng đồng địa phương cần phải được tham gia, phải có thu nhập và những lợi ích thiết thực từ khu vực được bảo tồn, chẳng hạn như nước sạch, đường xá, vệ sinh sức khoẻ... Địa điểm cắm trại, nơi ở, dịch vụ hướng dẫn, quán ăn và các dịch vụ khác nên được hợp tác hoặc quản lý bởi những cộng đồng sống xung quanh công viên hoặc những địa điểm tham quan đó. Quan trọng hơn, nếu du lịch sinh thái được nhìn nhận như một công cụ cho sự phát triển nông thôn, nó cũng phải giúp thay đổi cách quản lý kinh tế và chính trị đối với cộng đồng địa phương, làng xã, hợp tác xã, doanh nghiệp. Mặc dù, điều này không dễ dàng và đòi hỏi nhiều thời gian.
6. Tôn trọng văn hoá địa phương: Du lịch sinh thái không chỉ có nghĩa là “xanh hơn”, mà những tác động, ảnh hưởng xấu tới văn hóa cũng phải ít hơn so với những hình thức du lịch thông thường.
Trong khi mại dâm, chợ đen và nghiện hút thường là tác dụng phụ của một nền du lịch lớn, du lịch sinh thái cố gắng được tôn trọng một cách văn hoá và hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới cả môi trường tự nhiên và dân số của quốc gia, khu vực đó. Điều này thật không dễ dàng, đặc biệt là khi du lịch sinh thái thường bao gồm việc du lịch tới những vùng sâu vùng xa, nơi những cộng đồng nhỏ và biệt lập có ít kinh nghiệm trong việc giao lưu với người nước ngoài.
Và cũng như du lịch truyền thống, du lịch sinh thái bao gồm những mối quan hệ không bình đẳng giữa người du lịch với “chủ nhà”, và các mối quan hệ trong việc trao đồi tiền tệ. Để trở thành một hướng dẫn viên du lịch sinh thái có trách nhiệm thì phải học cách tôn trọng những phong tục địa phương, không tự ý xâm nhập vào cộng đồng khi chưa có sự cho phép.
7. Vấn đề dân chủ, thể chế: Mặc dù du lịch thường đựơc coi là công cụ để xây dựng hiểu biết về các quốc gia và gắn kết hoà bình thế giới nhưng điều này không phải lúc nào cũng “tự động” diễn ra. Du lịch thông thường ít khi chú ý tới vấn đề chính trị tại địa phương trừ khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của khách du lịch. Du lịch sinh thái đòi hỏi một cách tiếp cận tế nhị hơn, trong đó mọi người tham gia đều cố gằng học hỏi, tôn trọng và làm lợi cho cả môi trường và cộng đồng địa phương.
Ở một số nước, xung quanh các điểm du lịch có thể đang diễn ra những cuộc xung đột hay bất đồng ý kiến trong vấn đề kiểm soát nguồn tài nguyên hoặc nguồn thu từ du lịch Trong những trường hợp đó, du lịch sinh thái cần đặt ra những câu hỏi như "Liệu sự tăng trưởng kinh tế xuất phát từ ngành du lịch có thực sự cải thiện điều kiện sống của người dân không? Liệu việc tẩy chay một quốc gia có làm tổn hại những người dân bần cùng không..."
Điều quan trọng nhất trong du lịch sinh thái là các nguyên tắc. Vấn đề nằm ở chỗ sẽ vận dụng những nguyên tắc đó ra sao.