Trải qua 115 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã dể lại những dấu ấn không phai trong lòng những người con phố núi, du khách và những người quan tâm gần xa.
Đứng trước nhu cầu bức thiết về xây dựng một thành phố hiện đại – kiểu mẫu, Đà Lạt đang bị đe dọa sẽ mất đi những nét đặc trưng độc nhất vô nhị của Việt Nam. Ngày 27/8/2008 tại TP.Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học KT TP.HCM và một số chuyên gia của Hội KTS Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Tầm nhìn quy hoạch phát triển TP.Đà Lạt hướng đến đô thị hiện đại có bản sắc”, tại đây đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra.
Hãy tôn trọng nét đặc thù Sinh thái của Đà Lạt Ở bất kỳ góc nhìn nào bạn cũng thấy hiện ra trước mắt bạn một bức tranh thiên nhiên phong phú sắc màu, vừa có sự kết hợp hài hòa giữa những công trình kiến trúc do con người tạo nên. Nhắc đến Đà Lạt, người ta đang hình dung ngay một “thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”. Đây chính là điểm đặc biệt nhất của thành phố Đà Lạt, bởi lẽ Đà Lạt thuở ban sơ là một khu vực lòng chảo ẩn hiện giữa rừng thông nằm trong lòng cao nguyên Langbian. Đà Lạt được sự ưu đãi của thiên nhiên nên từ lâu đã là một địa chỉ du lịch nổi tiếng Việt Nam, nhưng thực ra Đà Lạt đang dựa vào thiên nhiên quá nhiều, chúng ta có thể thấy rất rõ các KDL ở đây chủ yếu là “ngoạn cảnh”, “lấy đi” mà không có sự “trả lại”. TS.KTS Phạm Tứ, KTS.Vũ Việt Anh và KTS. Phạm Thị Ái Thủy của Đại học Kiến Trúc.TP HCM cảnh báo: “Liệu có phải chúng ta đang “ăn nhờ” thiên nhiên nhưng vô tình “phá hỏng” thiên nhiên rồi lại than trách “thiên nhiên của chúng ta đâu rồi?”.
Nổi tiếng với rau và hoa, nhưng để có được những thảm hoa, luống rau ấy Đà Lạt phải đánh đổi với cái giá rất đắt, những mảng rừng thông giờ đây thưa dần, thay vào đó là màu trắng của nhà kính, hầu hết các con suối, hồ nước bị ô nhiễm bởi lượng hóa chất bảo vệ thực vật chảy xuống. Ông Phạm Tứ còn nêu rõ: “không ảnh hưởng đến cảnh quan và môi sinh mới là sự phát triển bền vững đích thực”. Đối với một thành phố sinh thái đặc thù như Đà Lạt, nếu chúng ta đánh mất tập quán văn hóa của người Đà Lạt, phá hoại môi sinh (chặt phá rừng thông, lấp hồ suối, bạt núi đồi, săn bắt muôn thú…) đồng nghĩa với việc phá đi cội nguồn hình thành nên sắc thái văn hóa vốn có của người Đà Lạt, đánh mất dần thành phố sinh thái Đà Lạt. TS.KTS Phạm Anh Dũng bức xúc trước tình trạng Đà Lạt đang mất dần đi những mảng xanh, ông nói: “Đà Lạt phải là một khu “rừng” thực sự, lấy cây thông – cây đặc thù của Đà Lạt làm cây chủ đạo điều đó có nghĩa là cây xanh phải chiếm ưu thế và đa phần diện tích toàn thành phố.”
Giữ lấy “bảo tàng kiến trúc” độc nhất vô nhị Cái duyên của phố núi Đà Lạt còn là sự gặp gỡ giữa cổ kính và hiện đại, nhiều ngôi biệt thự nằm ẩn mình sau rặng thông hay triền đồi, tạo thành một nét đặc trưng của thành phố. Đà Lạt có hơn 2.000 ngôi biệt thự, mỗi biệt thự như một đóa hoa và cả thành phố là một vườn hoa lớn. Nhiều trục đường, những biệt thự muôn hình muôn vẻ, vườn hoa cây cảnh, hàng thông xanh phân cách từng ngôi nhà, là những quy ước không thể thiếu của kiến trúc biệt thự cổ Đà Lạt.
Thời gian gần đây, Đà Lạt đang vươn mình ra khỏi chiếc “áo” chật hẹp, thay vào đó là những tòa nhà “chọc trời, bề thế” ngay giữa trung tâm thành phố. GS.Mai Đình Yên và KTS.
Triệu Vĩnh Lộc nhận xét: “Thật tiếc là các yếu tố sinh thái học ưu điểm của quỹ kiến trúc đô thị Đà Lạt đang bị xuống cấp nhanh mà nguyên nhân của nó là các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và xây dựng, tùy tiện, không có quy hoạch tốt”. Trong giai đoạn nền kinh tế phát triển của Đà Lạt nói riêng và cả nước nói chung như hiện nay, một số nhà quản lý đô thị Việt Nam cho rằng: Việc xây dựng các tòa nhà “chọc trời” tại TP.Đà Lạt là một nhu cầu cấp thiết, bởi lẽ nó là tiền đề tốt cho một bước đột phá tăng tốc cho nền kinh tế. Hiện nay, ở khu vực trung tâm TP.Đà Lạt đã có một số dự án xây dựng các công trình cao từ 11 – 21 tầng. KTS Trần Ngọc Chính – Thứ trưởng Bộ Xây dựng và KTS Ngô Trung Hải – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị Nông thôn cũng tỏ rõ sự quan tâm đối với quỹ kiến trúc cổ Đà Lạt: “Các công trình được xây dựng váo cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được xem như những di sản quý về kiến trúc không những cho Đà Lạt mà còn cho cả Việt Nam. Đà Lạt có nhiều cụm công trình đẹp và nằm rải rác trong trung tâm, nhưng có hai khu vực có mật độ tập trung các công trình kiến trúc có giá trị cần được khoanh vùng và có điều lệ bảo vệ riêng biệt là khu biệt thự Lê Lai và khu biệt thự Trần Hưng Đạo – Hùng Vương, tiến tới sẽ công nhận như khu bảo tồn kiến trúc quốc gia”.
Nên chăng một Đà Lạt hiện đại hóa?
Chúng ta phải thầm cảm ơn những nhà quy hoạch đô thị đầu tiên của Đà Lạt, những người đã biết gìn giữ, trân trọng và nghiêm khắc ngay từ ngững ngày đầu đô thị hóa, một nguyên tắc vẫn còn giữ nguyên giá trị cho tới ngày nay đó là bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống của con người, mọi công trình xây dựng đều gắn bó với cây xanh, với rừng thông bao quanh. Trong hội thảo “Tầm nhìn quy hoạch phát triển TP.Đà Lạt hướng đến đô thị hiện đại có bản sắc”, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng ông Nguyễn Hồng Quân cũng thấy “dị ứng” với những dự án xây dựng các khu nhà cao tầng: “Vấn đề là hiện đại như thế nào, cao tầng đến đâu, đặt công trình chỗ nào trong đô thị nhất là gần khu trung tâm cũ, gần hồ Xuân Hương trên các sườn đồi và đỉnh đồi, gần các khu bảo tồn cần phải được nghiên cứu một cách thận trọng, thấu đáo, kỹ càng, có bài bản”.
Một giải pháp hợp lý nhất cho số phận những ngôi biệt thự cồ Đà Lạt còn đang ở phía trước, nhưng chỉ xin lưu ý các nhà quản lý quy hoạch đô thị: đừng bao giờ hạ thấp nhu cầu thẩm mỹ của người lao động, mỗi chúng ta dù làm công việc gì, dù ở vị trí nào trong xã hội họ cũng đều cần cái đẹp, cũng cần có một khoảng trời trong lành đề hít thở…