Nấm rừng là một loại đặc sản quý bởi giá trị dinh dưỡng, dược dưỡng và mùi vị thơm ngon, dai giòn, có thể chế biến nhiều loại món ăn... Bất kể là rừng nào đều có nấm, phổ biến như nấm mọc trong rừng tràm, nấm rừng dẻ, rừng tùng, rừng thông…
Các loại nấm rừng ăn được
Nấm rừng thông là các loại nấm mọc trong rừng thông, có rất nhiều ở Đà Lạt và kéo dài từ khi có những cơn mưa đầu mùa cho đến hết mùa mưa (khoảng tháng 4 đến tháng 10 hằng năm). Vì vậy, thời điểm này, rất dễ gặp những người đi hái nấm trong rừng thông ở Đà Lạt.
Những người đi hái nấm thường là nhóm nhỏ trong gia đình
Chỉ cần đi rừng hái nấm với người có kinh nghiệm một hai lần, thì việc nhận diện các loại nấm rừng thông ăn được trở nên rất dễ dàng. Với những cái tên quen thuộc của các loại nấm phổ biến, như nấm trứng gà, nấm gan bò, nấm kaki, nấm chẹo, nấm san hô; hay nấm sữa, nấm ngo xanh, nấm gạch, nấm xơ mít… hầu như ở rừng thông nào của Đà Lạt cũng đều có, nhưng tùy từng khu vực mà chúng đặc biệt có nhiều.
Nấm san hô đá dễ nhận biết bởi hình dáng và màu sắc
Những loại nấm rất ngon và dễ nhận biết, mọc nhiều ở từng khu vực và người hái nấm có thể dễ dàng nhận diện. Nấm độc là các loại nấm có màu đồng nhất từ gốc nấm đến quả thể, là trắng như vôi, hoặc vàng như bột nghệ, có phấn hoặc đốm hay vẩy ở thân và trên quả thể, dưới mũ nấm có nhiều lá tia rõ - sâu và đều… Đặc điểm của các loại nấm ăn được là màu sắc rõ ràng nhưng không đồng nhất, thân nấm mập chắc, quả thể dày.
Nấm chẹo được ví như “vàng của rừng” rất bổ dưỡng
Nhiều loại nấm ngon nổi tiếng, như: Nấm gan bò có gốc màu vàng nhạt, thân chuyển sang màu cam, đậm dần lên quả thể; khi miết tay lên thân hay quả thể nấm chuyển màu tím đậm của gan bò. Nấm trứng gà lúc chưa nở tròn và vàng như lòng đỏ trứng gà, thân nhỏ màu vàng nhạt. Nấm gan bò và nấm trứng gà có nhiều ở rừng thông hồ Tuyền Lâm, hồ Suối Vàng. Nấm chẹo hay nấm dẻ đỏ (vì thường có ở rừng dẻ hay rừng chẹo), còn được gọi là “vàng của rừng” hay “lộc của trời” vì giá trị dinh dưỡng cao. Cây nấm chẹo có màu đỏ hồng, nhưng bên trong lại trắng muốt, có ở rừng Xuân Thọ.
Hái nấm rừng không yêu cầu kỹ thuật đặc biệt, chỉ dùng tay nhẹ nhàng
Các loại khác, như nấm xơ mít có màu xơ mít, nhưng quả thể rạn như vỏ mít, thân mập chắc. Nấm kaki vàng có thân u dưới gốc và thon dần lên, quả thể dày nhưng có vết nhăn sâu không đều. Nấm san hô rất dễ nhận diện vì hình dáng và màu sắc không khác gì cây san hô đá. Nấm mối nhỏ, thân và quả thể mỏng hình chiếc ô, có màu xám đen hoặc xám trắng… Cách hái nấm cũng khá điệu và phải nhẹ nhàng. Đó là, dùng tay bao nguyên cây nấm xoay nhẹ nhàng theo vòng tròn, hoặc dùng 2 ngón tay nắm chắc cây nấm rồi đẩy nhẹ nhưng dứt khoát về hẳn một phía để cây nấm đứt gốc. Với cách hái nấm như thế, cây nấm vẫn còn giữ được gốc và sẽ tiếp tục nảy nở.
Nấm trứng gà đã sơ chế vô cùng hấp dẫn
Nấm rừng thông đặc biệt rất ngon và có giá trị dinh dưỡng, có thể chế biến rất nhiều món ăn cho hương vị ngọt thơm, đậm đà, hấp dẫn, như: hấp, xào, lẩu, nướng, canh… Nhưng, việc hái nấm rừng và nhầm lẫn giữa nấm ăn được và nấm không ăn được đã xảy ra, vì vậy, những người hái nấm rừng, thường chỉ chọn những vùng rừng có nhiều 1 loại nấm và chỉ hái đúng loại nấm đó; với những người chưa có kinh nghiệm, tốt nhất phải hỏi và tìm hiểu kỹ để chắc chắn loại nấm mình ăn là không độc.
Nhiều niềm vui khác từ các chuyến đi hái nấm rừng thông…
Đi hái nấm đương nhiên là để có nấm! Nhưng, cùng với sự háo hức của việc săn tìm những cây nấm lúp xúp dưới đám lá rụng, người đi hái nấm được nhiều hơn là không khí mát mẻ dưới tán rừng thông, dạo bước dưới không gian xanh tươi sau những cơn mưa chiều hôm trước và ánh nắng vàng ươm trong lành của buổi sớm mai, khiến chân cứ mải miết đi mà không biết mệt mỏi. Đó cũng là cách giải trí, vui chơi khá bổ ích, thú vị và an toàn cùng gia đình nhỏ của mình.
Tiểu Vân