Với việc khuyến khích sử dụng lại những vật liệu, đồ nhựa đã qua sử dụng, sân chơi Thử thách tái “xinh” đã thu hút các em nhỏ và gia đình ở Hà Nội tham gia tái chế đồ cũ, tạo nên sản phẩm mới, có ích trong cuộc sống.
Một tác phẩm của các em nhỏ làm từ vật liệu tái chế tham gia sân chơi Thử thách tái “xinh”.
Phân loại, làm sạch vật dụng nhựa cũ và đồ dùng cũ trong sinh hoạt rồi xử lý, tái chế thành những sản phẩm mới có ích là tiêu chí của Thử thách tái “xinh”, do nhóm Facebook “Ý tưởng tái chế - Tái sử dụng” phối hợp một số tổ chức, doanh nghiệp xã hội thực hiện. Trong thời gian giãn cách do Covid-19, các bạn nhỏ từ 6-17 tuổi cùng bố mẹ đã có những hoạt động ý nghĩa, bổ ích, nâng cao hiểu biết về môi trường, rác thải nhựa và sáng tạo nên những sản phẩm xanh được tái chế từ vật dụng, đồ nhựa cũ.
Có rất nhiều những sản phẩm như thế, từ chậu trồng cây xinh xắn, chong chóng nhiều màu sắc, chổi quét sân đến đèn cá chép trông trăng được làm từ chai nhựa cũ; túi thời trang, cánh diều từ túi ni-lông hay áo mưa hỏng, ba-lô đựng đồ tiện ích được tận dụng từ quần áo không cũ, đầu sư tử bằng bìa các-tông, góc vui chơi được xếp từ hàng trăm vỏ hộp sữa, chuông gió trang trí, đèn trung thu hay bông hoa sen làm từ lon bia, lon nước ngọt, lon sữa… Có thể thấy, bìa sách cũ, chai thủy tinh, can đựng dầu, vải vụn, vỏ hộp sữa chua, lõi giấy vệ sinh… không phải là rác mà là nguyên liệu làm nên nhiều món đồ chơi, đồ trang trí sống động.
Đặng Vũ Tuệ Lâm, học sinh Trường THCS Thanh Xuân Nam (Hà Nội) đã hào hứng tham gia Thử thách tái “xinh” với sản phẩm là chiếc thuyền buồm no gió làm quà tặng sinh nhật người thân và chiếc quần được may từ những miếng vải thừa. Từ các vật liệu là bìa tài liệu cũ, giấy màu và xiên gỗ, vải thừa, Tuệ Lâm mày mò, cặm cụi cắt ghép may đo tạo ra đồ dùng cá nhân và đồ chơi mới. Thấy con gái chăm chỉ tự tay làm nhiều đồ chơi từ nhựa, giấy báo, chị Vũ Thuý Mai, mẹ Tuệ Lâm động viên và khuyến khích con tham gia các hoạt động tái chế. Ủng hộ việc giáo dục trẻ em về môi trường, tạo lập thói quen và hành động bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, chị Thuý Mai cho biết: Quá trình tái chế là một phương pháp học thông qua chơi, giúp các con thay đổi cách nhìn đồ vật xung quanh, vật dụng đã qua sử dụng. Đó là nguyên vật liệu chứ không phải là rác, từ đó các con sẽ rèn được thói quen tiết kiệm và tư duy sáng tạo, nghĩ ra các giải pháp tái chế, góp phần kéo dài vòng đời, tạo công năng mới và tăng giá trị sử dụng cho các đồ dùng cũ.
Hoạt động tái chế, thực hành lối sống xanh, hạn chế rác thải nhựa đang là xu hướng được nhiều người tham gia, hưởng ứng. Tuy nhiên, sân chơi tái chế, cung cấp kiến thức về rác thải nhựa và môi trường dành cho các bạn nhỏ rất ít. Vì vậy, Thử thách tái “xinh” đã tạo môi trường cho các bạn nhỏ vừa học kiến thức qua video và các bài đăng tải hướng dẫn tái chế, vừa chơi qua việc thực hành các bài học tái chế đó. Với cách tiếp cận gần gũi, đem lại cảm xúc tích cực thông qua các trò chơi tái chế đồ dùng nhựa, các thông điệp và hướng dẫn hành động dễ nhớ, ấn tượng, chỉ sau một tháng phát động, Ban tổ chức Thử thách tái “xinh” đã nhận được 124 bài dự thi của các bạn nhỏ và gia đình cùng tham gia, thể hiện nhu cầu mong muốn có sân chơi riêng lứa tuổi mình.
Chị Đỗ Minh Hằng, thành viên nhóm quản trị của nhóm Ý tưởng tái chế - Tái sử dụng cho biết: Các sản phẩm tái chế, tái sử dụng của các em nhỏ thể hiện sự hồn nhiên, xinh xắn, dễ thương và thẩm mỹ, có tính sáng tạo, tuy nhiên giá trị lớn hơn cả là bài học tái chế, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Dù hướng đến đối tượng tham gia là trẻ em từ 6-17 tuổi, nhưng Thử thách tái “xinh” nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của bố mẹ và các thành viên đam mê tái chế, trở thành nơi thực hành xử lý rác nhựa tại nhà, chia sẻ sáng kiến, giải pháp tái chế - tái sử dụng và góp phần lan tỏa thông điệp và hành động bảo vệ môi trường.
Sân chơi Thử thách tái “xinh” đã góp phần nâng cao hiểu biết cho trẻ em về rác thải nhựa và tái chế, tái sử dụng nhựa trong đời sống, giúp các bạn nhỏ hiểu đúng về nguyên nhân của rác nhựa, từ đó có thái độ sử dụng nhựa đúng đắn và xử lý các rác nhựa cơ bản trong gia đình, đồng thời rèn luyện tư duy, nhận thức cải thiện và bảo vệ môi trường sống.
Ngọc Liên