Trong suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng khách du lịch hồ Hoà Bình giảm mạnh, kéo theo doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh vận tải trong khu vực ảnh hưởng nặng nề.
Các tàu du lịch tại cảng Bích Hạ (TP Hoà Bình) sẵn sàng đón khách mùa lễ hội năm 2022.
Theo Sở GTVT, việc giao thương hàng hóa, khách du lịch trong năm 2021 tụt giảm rất lớn, không ít doanh nghiệp, HTX rơi vào khó khăn phải hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp. Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GTVT cùng các ngành chức năng đã có cuộc thị sát tình hình nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy du lịch, dịch vụ trên khu vực hồ Hoà Bình, nhất là dịp lễ hội trên khu vực hồ Hoà Bình trong thời gian tới; tìm hướng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các bến, cảng ngày một xứng tầm là khu du lịch quốc gia.
Theo đồng chí Bùi Thị Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT, thực hiện quy hoạch bến thủy nội địa đã được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian qua, Sở GTVT đã quyết liệt triển khai các nội dung theo quy hoạch, trong đó vùng lòng hồ Hòa Bình được quy hoạch 53 bến thủy và 5 cảng.
Thống kê trên khu vực hồ Hòa Bình hiện có 274 phương tiện hoạt động, gồm 236 phương tiện vận tải khách, còn lại là phương tiện vừa chở hàng vừa chở khách. Trong số này có 141 phương tiện chưa đăng ký; 128 phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm. Đến thời điểm hiện tại có 98 phương tiện còn hạn đăng kiểm, 30 phương tiện đã hết hạn đăng kiểm chưa thực hiện đăng kiểm lại theo quy định.
Theo đánh giá chung, đến nay, hoạt động của các phương tiện vận tải thủy trên vùng lòng hồ Hòa Bình được quan tâm kiểm tra sát sao, chưa xảy ra sự cố, tai nạn đường thủy nghiêm trọng, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) vận tải. Hàng năm, nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động mùa lễ hội trên vùng hồ Hoà Bình, Sở GTVT thường xuyên phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành của T.Ư, địa phương cùng Ban ATGT tỉnh kiểm tra, giám sát các hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên lòng hồ Hòa Bình. Quán triệt các cảng, bến thủy nội địa chấp hành quy định trong hoạt động của cảng, bến, niêm yết đầy đủ thông tin cần thiết, bắt buộc, có đầy đủ trang thiết bị đảm bảo ATGT theo quy định; kiên quyết không cho xuất bến, neo đậu trong bến các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn, không có đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm...; chú trọng tuyên truyền về điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn, không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, không chở quá tải trọng theo quy định, điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch tới người dân trong vùng.
Thống kê năm 2021, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 7 cảng, bến thủy nội địa, lập biên bản, xử phạt 27 phương tiện vi phạm với số tiền 16,6 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm về trật tự ATGT, nhất là với phương tiện chở khách không có đăng ký, đăng kiểm chưa thường xuyên, liên tục, do đó, số phương tiện thủy chưa đăng ký, đăng kiểm vẫn lén lút tham gia hoạt động giao thông đường thủy, đặc biệt là phương tiện chở khách trên hồHòa Bình, qua đó tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATGT trên tuyến.
Năm 2022, bên cạnh phối hợp cơ quan đăng kiểm để tháo gỡ khó khăn, đăng kiểm phương tiện cho Nhân dân vùng hồ, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, "Cảng, bến sông an toàn”, mô hình "Cụm, khu dân cư ATGT đường thủy nội địa”. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các chủ bến, người điều khiển phương tiện, hành khách chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, thông điệp "5K" và công tác PCD Covid-19 theo quy định.
Tuyên truyền, vận động, phổ biến tới các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định trong hoạt động kinh doanh cảng, bến thuỷ nội địa; đầu tư các hạng mục bến và làm thủ tục cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với các bến tại đền Bờ 1, đền Bờ 2, động Thác Bờ... là nơi đón tiếp lượng khách du lịch lớn khu vực hồ Hoà Bình, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Phối hợp các lực lượng chức năng liên quan trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thủy nội địa, trong đó tập trung xử lý nghiêm vi phạm chở quá số người được phép chở trên phương tiện, không trang bị đủ phao áo, dụng cụ nổi cứu sinh... theo quy định.
Về lâu dài, theo đồng chí Bùi Thị Hoà Bình, để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng lượng du khách đến với hồ Hoà Bình cần tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo ATGT thuỷ, đào tạo bằng lái, bồi dưỡng kiến thức về bảo đảm trật tự ATGT, tập huấn đăng ký phương tiện thủy nội địa và ưu tiên thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng tại các bến, cảng.
Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích đầu tư, hướng các doanh nghiệp kinh doanh tua du lịch, mô hình đảo sinh thái, du lịch xanh, sạch, du lịch trải nghiệm và du lịch tâm linh để phát triển vùng lòng hồ Hòa Bình là điểm thăm quan du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Hồng Trung