Tiến tới nền kinh tế xanh

Cập nhật: 02/02/2009
Nhằm hướng tới một nền kinh tế xanh, thế giới đang triển khai hàng loạt chương trình hành động. Năng lượng tái tạo và các công nghệ sạch đã sẵn sàng cho sự chuyển biến này.


Trong chiến lược toàn cầu xanh, 5 lĩnh vực nền tảng được xem là đã tạo nên chuyển biến nhiều nhất về doanh thu, sự bền vững môi trường và việc tạo công ăn việc làm là: Năng lượng sạch và công nghệ sạch (trong đó có công nghệ tái chế); Năng lượng ở các vùng nông thôn, bao gồm cả năng lượng tái tạo và sinh khối bền vững; Nền nông nghiệp ổn định, bao gồm cả nông nghiệp hữu cơ; Cơ sở hạ tầng hệ sinh thái; Giảm khí thải do cháy rừng và phá rừng; Thành phố bền vững bao gồm quy hoạch, giao thông và các tòa nhà thân thiện với môi trường.

CDM triển khai tại các quốc gia đang phát triển

Theo Trung tâm Risoe của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tại Đan Mạch, Châu Phi đang thay đổi với sự xuất hiện của các dự án CDM đầu tiên trong vòng 18 tháng qua ở 6 nước - Cộng hoà dân chủ Công-gô (DRC), Ma-đa-gát-xca, Mau-ri-ti-út, Mô-dăm-bích, Ma li và Xê-nê-gan. Trong đó phải kể đến dự án giảm khí đốt gas và dầu ở Cộng hoà dân chủ Congo và dự án đập thuỷ điện ở Ma-đa-gát-xca.

Còn ở Kenya các dự án mới bao gồm tăng công suất địa nhiệt thêm 35 MW, máy phát điện và dự án sản xuất điện từ nhiên liệu bã mía - hợp tác với Nhà máy đường Mu-mi-át (Mumias). Trung tâm Tài nguyên năng lượng mặt trời và gió của UNEP đã ước tính tiềm năng năng lượng gió ở Ghana là hơn 2.000 MW và phân bố chủ yếu dọc theo đường biên giới với Tô-gô.

So với 3.500 dự án CDM triển khai trên toàn thế giới, tổng số các dự án CDM ở châu Phi còn quá ít ỏi tuy nhiên cũng đã là một bước tiến đáng kể. Theo dự báo, đến năm 2012, châu Phi sẽ có khoảng 230 dự án CDM. Các dự án này có thể mang lại 65 triệu chứng chỉ giảm phát thải với tổng trị giá gần 1 tỷ USD.

Định hướng xây dựng các dự án CDM về giao thông, giảm ô nhiễm không khí và khí thải công nghiệp tại các đô thị cũng là một chiến lược cho các nước đang phát triển. Các biện pháp về thuế như đánh thuế đầu vào, thay đổi mức thuế giá trị gia tăng đối với năng lượng sạch và các sản phẩm tiết kiệm năng lượng có thể giúp điện khí hoá nông thôn.

Hệ thống tín dụng vi mô

Hệ thống này dùng để hỗ trợ các hộ nghèo với các khoản vay lãi suất thấp.

UNEP đã hợp tác với hai ngân hàng ở Ấn Độ nhằm giảm lãi suất cho vay đối với các khoản đầu tư vào nhiệt năng ở các vùng nông thôn từ 12% xuống 5% và 2%. Nhờ vậy, 100.000 người có thể sử dụng điện mặt trời.

Tương tự, thị trường cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời ở Tuy-ni-di cũng đã triển khai. Cùng chung mục đích đó, UNEP đang hợp tác với UNDP trong dự án Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) ở Mê-hi-cô. Dự án sẽ hợp tác với Chương trình quốc gia về cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời ở Mê-hi-cô (còn gọi là PROCALSOL) nhằm cải thiện môi trường thông qua kích thích nhu cầu của thị trường và hỗ trợ hệ thống cung ứng bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời.

Dự án đề ra mục tiêu lắp đặt hệ thống nước nóng đạt tới tổng dung tích là 2,5 triệu m3 vào cuối năm 2011 và 23,5 triệu m3 vào năm 2020 ở Mê-hi-cô. Con số này cũng phù hợp với ước tính về lượng giảm khí nhà kính (khoảng trên 27 triệu tấn CO2) của Mê-hi-cô vào năm 2020 và được kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho 150.000 người.

Ngành nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp là ngành then chốt của thế giới và chiếm tới 40% lực lượng lao động.

Chiến lược toàn cầu xanh được các chuyên gia đánh giá là cần phải được thực hiện thông qua một chương trình quốc tế, do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) điều phối, để hỗ trợ lâu dài cho việc phục hồi đất, bảo vệ tài nguyên đất và nước, quản lý sinh vật ngoại lai, nông sản hữu cơ, phát triển cơ sở vật chất, mở rộng dịch vụ và hỗ trợ thị trường ở các nước đang phát triển.

Hiện nay có nhiều ý kiến đánh giá trái ngược nhau về nông nghiệp hữu cơ. Một số người cho rằng nông nghiệp hữu cơ là cứu cánh cho con người, trong khi một số lại coi là không thiết thực, nông sản đắt tiền sẽ không giải quyết được nhu cầu lương thực của hàng tỷ người. Các nghiên cứu thực tế đã cho thấy rằng nông nghiệp hữu cơ cần nhiều lao động hơn. Vậy đâu là lợi ích thiết thực?

Một cuộc điều tra mới của Hội đồng Liên Hiệp Quốc và UNEP về thương mại và môi trường ở Đông Phi cho thấy, trên 90% các nghiên cứu chỉ ra rằng ngành nông nghiệp hữu cơ hay bán hữu cơ mang lại lợi ích cho độ phì nhiêu của đất, quản lý nguồn nước, tăng mực nước ngầm, giảm lượng các - bon và đa dạng sinh học.

Nông nghiệp hữu cơ cũng cho phép nông dân tăng mùa vụ trên các mảnh đất cằn cỗi. Nghiên cứu ước tính ở Đông Phi có khoảng 1,6 triệu nông dân của 7 nước trồng trọt theo phương thức hữu cơ hay bán hữu cơ trên 1,4 triệu ha đất. Sản lượng thu hoạch tăng 128% so với phương thức canh tác thông thường.

Do không tốn chi phí cho phân bón và thuốc trừ sâu nên nông dân sẽ có thu nhập cao hơn; lương thực thực phẩm tạo ra nhiều hơn; và nhờ vào hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn, giá bán nông sản sẽ cao hơn ở cả thị trường trong và ngoài nước. Do đó, nông nghiệp hữu cơ giúp giải quyết vấn đề nghèo đói mà không huỷ hoại môi trường. Gần 90% trang trại và các hộ nông dân tăng thu nhập. Bên cạnh đó, vì nông nghiệp hữu cơ cần kiến thức chuyên sâu hơn, nên nó giúp phát triển giáo dục, xây dựng các mối quan hệ cộng đồng và sự hợp tác trên thị trường.

Theo tổng kết chung của báo cáo thì các biện pháp kỹ thuật và công nghệ của nông nghiệp hữu cơ và bán hữu cơ phù hợp với nông dân nghèo ở châu Phi sở hữu mảnh đất nhỏ và khô cằn, vì họ chỉ cần vốn đầu tư tối thiểu, có thể sử dụng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên và ở địa phương để sản xuất ra nông sản có chất lượng cao và khuyến khích tiếp cận với hệ thống nông nghiệp linh hoạt có sức chống chịu với những áp lực.

Chính phủ các nước cũng cần quan tâm tới việc xây dựng dự án nghiên cứu cây trồng lâu năm. Các chuyên gia cho rằng các loại cây trồng lâu năm có rễ sâu giúp tăng gấp 50 lần độ phì nhiêu và ổn định của đất, không cần gieo trồng hàng năm nên ít cần kỹ thuật và vốn hơn,đồng thời có khả năng hấp thụ các-bon gấp đôi so với cây trồng hàng năm và giảm phát thải khí nhà kính.

Những con số buồn

Trong vòng 300 năm qua, diện tích rừng trên thế giới đã giảm khoảng 40%; còn 50% diện tích đất ngập nước đã biến mất từ năm 1900 và tỷ lệ loài tuyệt chủng do con người gây ra cao gấp 1.000 lần tỷ lệ tuyệt chủng trong tự nhiên.

Hiện nay khoảng 60% các hệ sinh thái trên trái đất cũng như nguồn lợi từ các hệ sinh thái đó đang suy giảm. Ước tính khoảng 7,5 triệu km2 (tương đương với diện tích của nước Úc) đất đai tự nhiên sẽ biến mất từ năm 2000 đến năm 2050, nếu như các mô hình kinh tế vẫn không được nghiên cứu và định hướng hợp lý.

Gần đây, người ta đã tính đến các thiệt hại về kinh tế. Ở Ca-ri-bê, diện tích rạn san hô giảm đi 80% khiến cho ngành công nghiệp du lịch ở đây mỗi năm thiệt hại khoảng 300 tỷ USD.

Ước tính lợi nhuận từ môi trường tự nhiên

Theo ước tính, giá trị từ các rạn san hô, phục vụ khai thác thuỷ sản, phát triển du lịch hay ngăn ngừa lũ lụt, có thể chỉ cần vốn đầu tư khoảng 780 USD/km2 hay 0,2% giá trị của hệ sinh thái đó nhưng mang lại tổng giá trị lợi nhuận ước tính từ 100.000 đến 600.000 USD/km2.

Nạn phá rừng “góp phần” vào việc hình thành 20% lượng khí nhà kính. Tỷ lệ này có thể giảm một nửa nếu hàng năm có khoảng 17 tỷ USD cho tới trên 30 tỷ USD được hỗ trợ để đảm bảo mức dân sinh và phát triển công tác bảo tồn – liên quan tới vấn đề việc làm ở các nước nhiệt đới.

Mạng lưới bảo vệ môi trường biển toàn cầu cho biết việc cắt giảm 20% tổng số các ngư trường có thể khiến cho doanh thu ngành giảm 270 triệu USD hàng năm. Nhưng bù lại, ngành thuỷ sản có thể phát triển bền vững với tổng giá trị hàng năm từ 80 tỷ USD - 100 tỷ USD, giúp ổn định việc làm cho khoảng 27 triệu lao động, đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm cho hơn 1 tỷ người, đặc biệt ở các nước đang phát triển nơi cá là nguồn protein động vật chủ yếu.

Đầu tư cơ sở hạ tầng tự nhiên

Cơ chế giảm phát thải do phá rừng/suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (REDD) đến năm 2012, bao gồm phí chi trả dịch vụ môi trường đã được các quốc gia tích cực hưởng ứng.

Na uy cam kết hỗ trợ 3 tỷ USD cho REDD. Côt-xta Ri-ca đầu tư khoảng 200 triệu USD cho công tác bảo vệ rừng. Mê-hi-cô đang chi trả cho 1,5 triệu người dân vùng nông thôn để quản lý rừng và lưu vực sông. Mỹ hỗ trợ hơn 1,7 tỷ USD/năm chi trả trực tiếp cho nông dân để bảo vệ môi trường. Liên minh Châu Âu phát triển ngành nông nghiệp sinh thái và ngành lâm nghiệp trong chương trình phát triển nông thôn trị giá 4,5 tỷ Euro.

Nhiều sáng kiến mới khác cũng đã được áp dụng. Ở Mỹ đang xuất hiện loại tín dụng cho các loài đang nguy cấp theo kiểu hệ thống thương mại hóa lượng khí thải cắt giảm. Thị trường này có giá trị khoảng 40 triệu USD/44.000 hecta diện tích nơi sinh sống của các loài này. Một hệ thống tương tự, do ngân hàng sinh học Bill đề xuất năm 2006, đã được áp dụng ở New South Wales (Úc).

Các loại hình chứng nhận tiêu chuẩn, cho người tiêu dùng và các công ty, cũng trở nên đa dạng hơn. Tại vương quốc những loài hoa ở Nam Phi, một điểm nóng về đa dạng sinh học, các nhà sản xuất rượu vang đã đưa 10% diện tích đất canh tác của họ vào bảo tồn và họ sẽ có quyền dán nhãn hiệu độc quyền đối với sản phẩm của họ.

Theo dự báo, thị trường các loại hàng hoá “sạch” có thể đạt giá trị tới 60 tỷ USD vào năm 2010.

Liên hợp quốc khuyến cáo chính phủ các nước cần nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển ổn định của nguồn vốn thông qua các cơ chế thị trường mới và các giải pháp thích hợp, cần đầu tư nhiều hơn là làm tổn thương tự nhiên.

Mô hình thành phố sinh thái

Có rất nhiều cách để cắt giảm lượng khí nhà kính và giải quyết vấn đề việc làm. Việc xây dựng các toà nhà sử dụng năng lượng có hiệu quả trên toàn thế giới có thể tạo ra hàng triệu việc làm, và quá trình “xanh hoá” cũng cung cấp việc làm cho rất nhiều lao động trong tổng số 111 triệu người đang làm việc trong ngành nghề này.

Riêng ở châu Âu và Mỹ, đầu tư phát triển việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các cao ốc có thể tăng thêm 2 – 3,5 triệu lao động “xanh”, và con số có thể cao hơn ở các nước đang phát triển. Hiện nay, một số thành phố đang phát triển các dự án về phương tiện giao thông sạch, như hệ thống xe bus nhanh.

Ở Mê-hi-cô, với hệ thống thành phố có làn đường riêng cho xe buýt (BRT), xe đạp và các giải pháp giao thông mới, theo dự tính sẽ giúp giảm 10% lượng phương tiện xả khói; thuế không gian công cộng thu được hàng năm trên 750 triệu USD.

Dự án đường dành riêng cho xe đạp Marikina, tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho loại đường này ở Ma-ni-la (Phi-lip-pin), theo dự tính sẽ tăng gấp đôi việc sử dụng loại phương tiện này vào năm 2015. Người ta ước tính rằng với mỗi USD trong tổng số 2 triệu USD tiền đầu tư sẽ thu hồi lại 2 USD về khía cạnh lợi ích sức khoẻ và lợi ích môi trường.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, một trong các nguồn hỗ trợ tài chính cho Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), thì các dự án như vậy cũng giúp tăng thu nhập của địa phương, nhất là đối với người nghèo. Ở Li ma (Pê-ru) nếu sử dụng phương tiện di chuyển là xe đạp hai lần một ngày có thể giúp tiết kiệm tới 7,6 USD/tháng. Số tiền này tương đương với gần 10% chi phí năng lượng hàng tháng của một người dân Lima.

Một phần trong các dự án này là việc phổ biến sử dụng công nghệ thông tin, kiểm soát và xây dựng mức tổng cầu trong nền kinh tế và các giải pháp thị trường. Ví dụ như việc sử dụng phương tiện đi lại bằng xe đạp cho những chặng đường ngắn hơn. Phí tắc nghẽn giao thông, miễn phí đỗ xe và thuế cho các loại phương tiện giao thông hiệu quả cũng mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng.

Các giải pháp đơn giản như đảm bảo cho xe bus và các phương tiện phục vụ cộng đồng hoạt động hiệu quả có thể giúp giảm thiểu khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí ở địa phương.

Ở Ri-ô đề gia-ne-rô (Bra-xin), việc phát triển hệ thống xe bus dùng dầu diesel đã giúp tiết kiệm hàng năm 40 triệu lít nhiên liệu (tương đương 12,5% tổng nhu cầu về nhiên liệu), đồng thời cũng giảm được 107.800 tấn khí CO2 mỗi năm.

Nguồn: Thiennhien.Net