Ninh Bình: Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 31/08/2022
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Mùa lúa chín ở Tam Cốc  thường được gọi với những cái tên mang vẻ đẹp thanh cao như: Mùa vàng Tam Cốc, Sắc vàng Tam Cốc... Cánh đồng lúa ở Tam Cốc được biết đến là một trong những cánh đồng lúa đẹp nhất ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phát triển du lịch nông thôn trong những năm qua đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình xây dựng NTM. Nhất là tạo cảnh quan đẹp cho làng quê, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút lực lượng lao động nông nhàn tham gia vào các hoạt động du lịch.

Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư đạt chuẩn xã Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Trên địa bàn xã có gần 50 doanh nghiệp, trên 20 homestay và hàng trăm cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Bình quân thu nhập đầu người năm 2021 đạt trên 58 triệu đồng/người. Để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, địa phương đã có những định hướng, giải pháp cụ thể, trong đó đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Với những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, các giải pháp phù hợp với thực tế để thực hiện chương trình.

Vườn Quốc gia Cúc Phương tiến hành thả cá thể về môi trường tự nhiên.

Các loại hình du lịch nông thôn chính trên địa bàn tỉnh là: Du lịch nông nghiệp, sinh thái và cộng đồng. Trong đó, hiện đang khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, quảng bá các sản phẩm OCOP, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao,… Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế này ở mỗi địa phương sẽ góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội địa phương./.

Thanh Nga

Nguồn: Đài PT-TH tỉnh Ninh Bình - nbtv.vn - Đăng ngày 29/08/2022