Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của TP. Hồ Chí Minh đã và sẽ triển khai trong thời gian tới chính là việc bảo vệ đa dạng sinh học, tăng mảng xanh, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn.
“Lá phổi xanh” điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường
Theo PGS.TS. Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), hệ sinh thái rừng ngập mặn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với chức năng phòng hộ, bảo vệ đời sống và sinh kế cho người dân vùng ven biển, nơi sinh sống của nhiều loài động vật có giá trị đa dạng sinh học cao. Trong những thập kỷ gần đây, rừng ngập mặn còn đem lại những giá trị kinh tế dưới hình thức các dịch vụ môi trường rừng; trong đó, có thể kể đến như hấp thụ và lưu trữ carbon; chống xói lở bờ biển; cung ứng nước sạch, lọc kim loại nặng và chất ô nhiễm...
Rừng ngập mặn Cần Giờ là lá phổi xanh của TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: hochiminh.gov.vn
TS. Trương Văn Vinh, Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, diện tích rừng ngập mặn suy giảm nhanh chóng. Tại Việt Nam, rừng ngập mặn ước tính khoảng 400.000ha vào năm 1945. Đến năm 2019, theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích rừng ngập mặn của cả nước chỉ còn 150.000ha. Phần lớn diện tích rừng ngập mặn Việt Nam tập trung ở những khu vực địa điểm phía Nam. Trong đó, năm 2022, tổng diện tích rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long là 90.000ha.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ luôn được coi là “lá phổi xanh” với tổng diện tích khoảng 34.672,79ha. Đây là khu rừng có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Tại đây, có trên 150 loài thực vật; hệ động vật thủy sinh không xương sống với trên 700 loài, khu hệ cá trên 130 loài, khu hệ động vật có xương sống có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài có vú. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ đã và đang trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của chính quyền và người dân TP. Hồ Chí Minh.
Quản lý, khai thác hợp lý và hiệu quả
Không ít ý kiến cho rằng, chung sức bảo tồn và phát triển các Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn trước các tác động của đô thị hóa và biến đổi khí hậu, qua đó, thiết lập một “bức tường xanh” vững chắc để bảo vệ môi trường là nhiệm vụ được đặt ra cho các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, cần sự tham gia có trách nhiệm của người dân, sự ủng hộ của toàn xã hội.
Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trồng 50ha rừng trên đất ngập nước, bãi bồi ven sông, rạch tại các tiểu khu trong rừng phòng hộ Cần Giờ; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rừng hiện có (Cần Giờ, Bình Chánh và Củ Chi), đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, nhằm giảm thiểu tác động từ triều cường và nước biển dâng.
"Thách thức lớn nhất là làm sao để lợi ích của rừng và rừng ngập mặn nói riêng không còn là lợi ích công cộng mà ai cũng được thụ hưởng miễn phí" - TS. Trương Văn Vinh, Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Theo đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, thời gian qua, Ban đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, quan trắc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng nhằm định hướng công tác quản lý tài nguyên, hướng đến phát triển bền vững, gia tăng diện tích rừng và bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng cho trên 140 hộ gia đình tại địa phương và các cơ quan, đơn vị. Mô hình này đã tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân, giúp họ gắn bó và tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.
Để rừng ngập mặn có thể là một phần của nền kinh tế, bên cạnh các giá trị xã hội và môi trường vốn có từ lâu của rừng, đòi hỏi có những chính sách, pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn, để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn bền vững. TS. Trương Văn Vinh, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trước tình hình suy giảm diện tích rừng hiện nay, yêu cầu đặt ra cho các nhà lâm nghiệp, nhà hoạch định chính sách là làm sao để rừng ngập mặn có thể cung cấp "dịch vụ môi trường", bao gồm các dịch vụ khai thác khả năng của rừng như bảo vệ đất, điều tiết duy trì nguồn nước, giảm phát thải carbon…
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi các chính sách và pháp luật về dịch vụ môi trường rừng từng bước hoàn thiện, sẽ góp phần to lớn trong việc bảo đảm thực thi pháp luật về lâm nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
Thanh Điểu