(TITC) - Ngày 2/12 tới, Vườn Quốc gia Cúc Phương sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với hệ giá trị sinh thái nguyên sinh đặc biệt, từ địa chất địa mạo, cổ sinh học, lâm sinh, cảnh quan và văn hóa bản địa, Cúc Phương đã gây sửng sốt, ngạc nhiên cho các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế vào những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỉ XX và được so sánh ngang hàng với những khu rừng nhiệt đới hàng đầu thế giới.
Chính vì vậy, ngay trong những năm tháng đất nước còn kháng chiến chống Mỹ, ngày 07 tháng 7 năm 1962 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg về việc thành lập Khu rừng cấm Cúc Phương.
Với văn bản quy phạm pháp luật ấy, Cúc Phương đã trở thành vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Trên cơ sở đó, cả nước đã từng bước hình thành được một hệ thống pháp luật, mô hình quản lý để bảo vệ rừng và xây dựng lên hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta hiện nay.
Qua 60 năm hình thành và phát triển, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương cùng sự giúp đỡ của nhân dân cả nước và các tổ chức quốc tế, Vườn quốc gia Cúc Phương đã thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, bảo tồn và khai thác phát triển du lịch; cứu hộ bảo vệ động vật hoang dã; giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Hàng năm Vườn quốc gia Cúc Phương đã thu hút hơn một trăm nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Chính bởi những đặc trưng tạo nên nét độc đáo mà không rừng nguyên sinh nào có được nên Vườn quốc gia Cúc Phương đã 4 lần liên tiếp (từ năm 2019 đến năm 2022) được Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh là Công viên quốc gia hàng đầu châu Á (Asia's Leading National Park).
Ghi nhận những thành tích của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Vườn quốc gia Cúc Phương, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, đồng thời gửi thư chúc mừng nhân sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Vườn.
Vườn Quốc gia Cúc Phương được xây dựng với chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái và giáo dục môi trường.
Với diện tích 22.408 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Địa hình Cúc Phương chủ yếu là núi đá vôi có độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450m.
Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương ôm chứa hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Tính đến nay đã ghi nhận: 2427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, và 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.
Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: 138 loài Thú, 337 loài Chim, 80 loài Bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài Cá.
Trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020, 03 loài đặc hữu là Sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá Niết Cúc Phương và Thằn lằn tai Cúc Phương.
Về động vật không xương sống, có 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như Bộ cánh cứng 454 loài, Bộ cánh vẩy 378 loài và Bộ cánh màng 314 loài.
|
Trung tâm Thông tin du lịch