Bài viết này không nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, càng không làm cái việc thống kê, miêu tả. Bởi có bao nhiêu di tích, nhân vật, sự kiện, phân bố ở đâu? Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử; chiều kích văn hóa; giá trị tâm linh… thế nào? Tất cả đã được ngành văn hóa, du lịch tích hợp trong các tài liệu chính thống.
Bài viết này cũng không đề cập đến câu chuyện du lịch có ý nghĩa kinh tế thế nào? Có là “mũi nhọn” không? Làm gì để trở thành mũi nhọn? Bởi tất cả cũng đã được viết rất chi tiết trong tầm nhìn chiến lược và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy Bến Tre.
Ở đây chỉ đi sâu về giải pháp khai thác, phát huy các giá trị văn hóa thế nào trong mối quan hệ với du lịch.
Du khách thưởng thức dừa xanh. Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận
Trước hết, phải khẳng định rằng, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc ở Bến Tre thật sự là tài nguyên, nguồn lực du lịch dồi dào, vô tận. Tuy nhiên, tất cả hình như còn ở dạng nguyên liệu, tồn tại dưới dạng “vỉa quặng”. Hầu hết đều có khai thác, phát huy nhưng chủ yếu mới chỉ là khai thác “thô”. Như các nhân vật lịch sử, văn hóa chẳng hạn. Tất cả chỉ ồn ào vào 2 ngày sinh, tử hàng năm: trọng thị hơn vào các năm chẵn, chi phí bằng tiền ngân sách và vận động xã hội hóa, rồi sau đó lại đâu vào đấy. Im ắng. Thỉnh thoảng cũng có đoàn này, đoàn nọ đến viếng, tham quan nhưng không thu được gì của du khách. Du khách không biết xài tiền ở đây thế nào, mặc dù đi du lịch là để tiêu tiền!
Vì sao? Vì ta chưa “chế biến” bài bản, chuyên nghiệp các giá trị văn hóa đó thành sản phẩm du lịch để bán. Nói cách khác, ta chưa đầu tư công nghệ cho ngành công nghiệp không khói này mặc dù ta rất giàu tài nguyên. Ta đang làm du lịch giống như đang làm nông nghiệp! Cá thể, manh mún, riêng lẻ, năng suất và hiệu quả thấp, không cạnh tranh hoặc cạnh tranh theo kiểu “cá ăn kiến”. Ta chưa có những nhà đầu tư du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa bản địa đúng tầm, kể cả tư duy, nguồn lực và trình độ sản phẩm. Ta cũng chưa quản trị tài sản văn hóa du lịch theo nguyên tắc chuyên nghiệp. Tóm lại, ta chưa tìm ra cái “hiếm có”, cái “khó bắt chước”, cái “không thể thay thế” trong sử dụng tài nguyên văn hóa để chế biến thành sản phẩm du lịch. Điều đáng nói là ngay chính các tài nguyên văn hóa của ta đã “hiếm có” rồi.
Đờn ca tài tử. Ảnh: Trần Văn Tuấn
Đã đến lúc cần có những “chuỗi” liên kết giá trị văn hóa du lịch trên từng dự án, từng địa chỉ và trên phạm vi toàn tỉnh. Giống như làm chuỗi giá trị nông nghiệp vậy. Tham gia chuỗi là các nhà: Nhà nước (mà đại diện là ngành văn hóa); nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành, nhà truyền thông. Nhà đầu tư không nhất thiết phải là “đại gia” mà có thể chỉ là những người dân bình thường có “máu” làm du lịch, sinh sống ở gần khu di tích. Bởi sản phẩm văn hóa bán cho du khách có khi không tốn nhiều tiền. Thí dụ như một chiếc khăn tay thêu hình Kiều Nguyệt Nga hay một clip nói thơ Vân Tiên trong Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu chẳng hạn. Sản phẩm nhỏ có khi làm nên tư duy lớn! Tư duy lớn có khi không hẳn chỉ dành cho đại gia!
Xu thế du lịch hiện đại là du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm văn hóa. Người ta rất thích các giá trị văn hóa ẩn chứa trong “vỉa quặng”, nhưng người ta không thể mua và mang “vỉa quặng” về nhà. Nhu cầu sản phẩm có dấu ấn giá trị văn hóa như là một vật kỷ niệm, một minh chứng được coi là đẳng cấp trải nghiệm có thật.
Ngoài việc mua vật kỷ niệm, sản phẩm văn hóa ra, người đi du lịch nào cũng “mỏi chân”, “khát nước”, “đói bụng”. Nói chung là cần có chỗ tiêu tiền. Việc quy hoạch hợp lý, khoa học, tiện lợi các khu dịch vụ trong, ngoài điểm tham quan là hết sức quan trọng. Sao cho trước khi “hết tour” du khách chắc chắn phải đi qua các dịch vụ này rồi mới ra chỗ để xe được. Chuỗi giá trị văn hóa du lịch là vậy. Và phải chăng hiện nay ta đang thiếu những chuỗi giá trị như vậy ở tất cả các điểm tham quan văn hóa? Và phải chăng ta nghèo trên đống “vỉa quặng” văn hóa giàu có của xứ sở mình.
Võ Thành Hạo - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre