Cây dược liệu Cát cánh – Nâng cao đời sống đồng bào người Mông Bắc Hà (Lào Cai)

Cập nhật: 11/01/2023
“Theo tính toán, mỗi một ha cây Dược liệu Cát cánh có thể mang lại thu nhập từ 150-170 triệu đồng, cao gấp từ 7- 8 lần so với cấy lúa, trồng ngô”- Bí thư xã Tả Văn Chư, Bắc Hà (Lào Cai) cho biết.

Vùng trồng dược liệu xã Tả Văn Chư

Năm 2013, Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tới 2020 định hướng 2030, tạo những chính sách riêng cho cây dược liệu. Bắc Hà là địa phương được tỉnh định hướng và phê duyệt dự án phát triển 12 loài cây dược liệu (bản địa và nội nhập). Giai đoạn 2014 - 2020, dự án được quy hoạch triển khai tại 9 xã: Na Hối, Tà Chải, Lùng Phình, Lầu Thí Ngài, Tả Van Chư, Lùng Cải, Bản Già, Thải Giàng Phố, Nậm Mòn… với tổng diện tích 218 ha với các loài cây như atiso, đương quy, bạch truật,  xuyên khung, chè dây, đan sâm, cát cánh, đẳng sâm...

Trong đó, vụ Đông Xuân 2021- 2022, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, trồng 62ha dược liệu cát cánh, trong đó theo kế hoạch 42ha, gồm; xã Tả Van Chư 30ha, Lùng Phình 3ha, Bản Phố 2ha, Tả Củ Tỷ 3ha, Hoàng Thu Phố 3ha và xã Lùng Cải 1ha; nhân dân tự trồng theo hợp đồng với Công ty CP VietRAP đầu tư thương mại 20ha tại xã Tả Van Chư.

Theo ông Trần Văn Sơn, cán bộ khuyến nông huyện cho biết: “Đã có không ít hộ “đạt” thu nhập cao từ trồng cây dược liệu Cát cánh, đơn cử như các hộ: Ông Giàng Seo Hồ, là người có uy tín tại thôn Lả Dì Thàng đã hơn 3 năm gắn bó với cây Cát cánh. Vụ thu hoạch năm 2019, gia đình chỉ trồng 6.000 m2 với 2 loại cây Cát cánh và đương quy nhưng cho thu hoạch trên 140 triệu đồng. Đây là hộ có thu nhập cao nhất từ trồng Cát cánh của xã”.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con áp dụng quy trình kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây Cát Cánh. Ảnh. Khuất Linh

Tham gia dự án trồng cây dược liệu cát cánh, bà con người Mông được trung tâm dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện ký cam kết hỗ trợ gieo trồng và bao tiêu 100% sản phẩm. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đứng ra thu mua cho dân. Vì vậy, bà con trồng dược liệu ở Bắc Hà hiện nay đã yên tâm, tin tưởng trồng và mở rộng diện tích, vì không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm củ tươi.

Ngoài làm dược liệu, vào mùa trổ hoa, những vùng trồng dược liệu Cát Cánh trên rẻo cao Bắc Hà tràn ngập hoa tím biếc, ngút tầm mắt một màu tím rịm, cuốn hút dưới thung sâu hay trên những nương đồi dốc, hoải… của bà con thiểu số địa phương, tạo nên diện mạo mới và thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, khám phá, chụp ảnh, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho bà con nông dân.

Vào mùa hoa Cát cánh nở rộ, thu hút nhiều khách du lịch tới check in.

Chính vì vậy, thay cho việc phải đi làm thuê thì nay, những hộ người dân tộc Mông ở đây lại dành thời gian cho những thửa ruộng canh tác dược liệu. Có cây giống để trồng, biết cách chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn và có đầu ra ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Cây dược liệu Cát cánh đang được kì vọng là cây trồng giúp xóa nghèo, góp sức đổi thay diện mạo nông thôn và chính cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi rẻo cao Bắc Hà

Ngọc Hân

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 06/01/2023