Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, các doanh nghiệp, điểm du lịch tại Hà Nội đang hối hả nâng cấp chất lượng dịch vụ, xây dựng tour mới thu hút du khách thập phương.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) ngày càng hấp dẫn du khách. Ảnh: VGP/Thành Nam
Nỗ lực tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách
Là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hà Nội đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng mang bản sắc riêng, như: Du lịch văn hóa, di sản; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao…
Theo Sở Du lịch Hà Nội, Thành phố hiện có 28 khu, điểm du lịch được công nhận đạt chuẩn cấp Thành phố. Nhiều điểm đã xây dựng những sản phẩm riêng, có sức hút với du khách, như: Sản phẩm tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, di sản Hoàng thành Thăng Long; sản phẩm du lịch nông nghiệp tại làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), khu sinh thái Đan Phượng (huyện Đan Phượng); du lịch nghỉ dưỡng tại khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì), điểm du lịch sinh thái Hoàng Long (huyện Thạch Thất); du lịch làng nghề tại điểm du lịch làng nghề khảm trai-sơn mài Chuyên Mỹ, làng nghề may Vân Từ (huyện Phú Xuyên); làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín)…
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2023, khu di sản Hoàng thành Thăng Long ra mắt tour đêm phục vụ khách nước ngoài với tên gọi "Đêm hoàng cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo" với nhiều đổi mới phù hợp với khách quốc tế.
Tương tự, Công ty Du lịch bền vững Vietnam S.T.I.D phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức tour du lịch văn học "Chữ Tâm, chữ Tài". Theo Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huệ, tham gia tour, du khách được tìm hiểu chữ Hán, Nôm, không gian văn học của đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín) cũng chuẩn bị nhiều mô hình hợp tác xã hoa tươi, giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để phục vụ du khách đến trải nghiệm. Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín) đã tập huấn cho các gia đình kỹ năng giới thiệu, trưng bày sản phẩm, hướng tới việc mở rộng sản phẩm lược sừng tại nhiều điểm du lịch trên địa bàn.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch đêm, tối ngày 23/12 vừa qua, khu ẩm thực đêm kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chính thức khai trương, đây sẽ là khu phố ẩm thực đêm thứ hai ở Hà Nội. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội cũng đã cho phép khai trương không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), trục chính Công viên Thống Nhất và toàn bộ khu vực vườn hoa, cây xanh xung quanh hồ Thiền Quang… tạo thêm các điểm tham quan mới, đặc sắc cho du khách khi đến Thủ đô.
Đánh giá về những đổi mới tại các khu, điểm du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, việc hình thành tour mới cùng với sự nâng cấp chất lượng dịch vụ sẽ tạo dấu ấn cho du lịch Thủ đô ngay từ đầu năm 2023.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc
Giám đốc Công ty Du lịch Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến nhận định, bức tranh du lịch Hà Nội đã có tổng thể, nhưng thiếu quy hoạch cụ thể, đồng bộ giữa các khu, điểm du lịch. Đây là nguyên nhân khiến sản phẩm du lịch tản mát, không tạo được tuyến hoàn chỉnh, dẫn đến tình trạng vào các dịp lễ, Tết chỗ thì quá tải, chỗ lại vắng khách.
Để khai thác tiềm năng điểm đến trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, các doanh nghiệp du lịch có chung ý kiến, điểm đến và đơn vị lữ hành cần có sự chia sẻ, hỗ trợ về chính sách, thông tin để cùng xây dựng sản phẩm với lộ trình và chi phí phù hợp; các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, cần xây dựng các trục du lịch chính cho Hà Nội. Trước mắt, có thể phân định 3 không gian du lịch theo 3 trục lớn: Trung tâm Hà Nội - Ba Vì - Sơn Tây; nội thành Hà Nội - Đông Anh - Sóc Sơn; tuyến nội thành - Mỹ Đức (chùa Hương)… Qua đó đơn vị lữ hành khai thác có thể xây dựng các sản phẩm khác nhau, như du lịch văn hóa, sinh thái, học đường, nghỉ dưỡng, cộng đồng.
Trước mắt nên xây dựng tour 2 ngày 1 đêm kết nối những điểm du lịch Hà Nội như Dương Xá - Bát Tràng - Ecopark (Hưng Yên)… hoặc kết nối Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam - chùa Thầy, chùa Tây Phương.
Ở góc độ quản lý, Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho rằng, doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến cần thay đổi cách tiếp cận khách hàng. Cần thay đổi cách làm, từ việc chỉ đưa khách tham quan những điểm đến quen thuộc, các đơn vị nên quảng bá, giới thiệu điểm đến mới, xây dựng được sản phẩm thực sự hấp dẫn, cạnh tranh, mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Hà Nội.
"Sản phẩm tour mới phải "kể" những câu chuyện để du khách cảm nhận được sự gần gũi của thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội", bà Đặng Hương Giang gợi ý.
Còn ở phía các địa phương đang vận hành mô hình phố đi bộ, các kiến trúc sư cho rằng Hà Nội cần tính toán nhằm đồng bộ cơ chế vận hành các tuyến phố đi bộ hiện có và sắp có, với mục tiêu mang lại giá trị về bản sắc trong kiến trúc đô thị và văn hóa. Ngay cả với phố đi bộ hồ Gươm vốn được đánh giá là thành công, các chuyên gia cũng cho rằng cũng cần đổi mới thêm để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Có thể thấy, sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong thời gian tới.
Đón năm 2023 trong không khí hân hoan, Hà Nội tin tưởng và kỳ vọng giữ vững vai trò là trung tâm du lịch của cả nước. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn.
Thành Nam