Thúc đẩy các giải pháp quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển

Cập nhật: 28/03/2023
Vận hành hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn biển không chỉ nhằm bảo toàn tính bền vững của các vùng biển mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh.

Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Việt Nam đã xác định kinh tế biển xanh là nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Kinh tế biển xanh đã được hầu hết các quốc gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển và dần trở thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, chính sách phát triển của nhiều quốc gia. Kinh tế biển xanh được hiểu là sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển, đại dương.

Các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết, khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững, như: nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển…

Việc quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển tạo tiền đề cho phát triển kinh tế biển xanh tại nước ta.

Hệ thống các khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hòa môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế ở địa phương. Việc mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh, được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân. Công tác quản lý hiệu quả mạng lưới các khu bảo tồn biển là một phần không thể tách rời khi đầu tư vào kinh tế biển xanh. 

Việc thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn biển không chỉ nhằm bảo toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên mà còn có ý nghĩa pháp lý to lớn. Từ đó, góp thêm cơ sở và cung cấp các công cụ hành chính và pháp luật trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích của nước ta ở Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.

Tại Đề án mở rộng, thành lập mới các Khu bảo tồn biển (KBTB), phục hồi các hệ sinh thái biển nhằm đạt mục tiêu 3% diện tích vùng biển Việt Nam đến năm 2025 và 6% đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 27 KBTB với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 442.235 ha, chiếm khoảng 0,44% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Trong đó, 11 KBTB cấp quốc gia, gồm: 5 KBTB đã thành lập là Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nam Yết và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa).

Đồng thời, thành lập mới 6 KBTB là vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà - Long Châu (Hải Phòng), Gò Đồi Ngầm (Quảng Bình), Thuyền Chài, Song Tử (Khánh Hòa). KBTB cấp tỉnh có 16 khu, trong đó thành lập mới 8 KBTB là Cà Mau, Hòn Ngư - Đảo Mắt (Nghệ An), Hải Vân - Sơn Chà (Thừa Thiên Huế), Sơn Trà (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Hải Tặc, Nam Du - Hòn Sơn (Kiên Giang). 

Đề án cũng đưa ra mục tiêu quản lý hiệu quả 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn khoảng 2,5% diện tích; thành lập và đưa vào hoạt động các khu vực áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả đạt khoảng 0,5% diện tích; quản lý hiệu quả các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển để bảo đảm tổng diện tích các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển đạt khoảng 1,5%; mở rộng diện tích vùng biển phục hồi các hệ sinh thái biển đạt khoảng 1% diện tích các vùng biển Việt Nam. Tổng diện tích chiếm 6% diện tích biển Việt Nam.

Giá trị tài nguyên tại các khu bảo tồn biển là tiềm năng lớn để phát triển tổng thể các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững, như: nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển… Ảnh: HH 

Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam, cho rằng các KBTB đang đối diện với tình hình biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng, axít hóa đại dương, lũ lụt, bão tố, gia tăng các loài địch hại... làm suy giảm hệ sinh thái, môi trường vùng biển. Bên cạnh đó, việc ô nhiễm môi trường từ khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp… gây áp lực lớn đối với các KBTB. Ngoài ra, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động cảng biển, rác thải nhựa, phát triển du lịch nếu không được kiểm soát tốt sẽ tác động, ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản. 

Công tác quản lý hiệu quả mạng lưới các khu bảo tồn biển là một phần không thể tách rời khi đầu tư vào kinh tế biển xanh. Thời gian tới, Việt Nam cần tiến hành các hoạt động kiểm kê, đánh giá các “nguồn vốn tự nhiên biển, đảo” và các hoạt động quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái để tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu xung đột trong khai thác, sử dụng biển. Để mở rộng diện tích các khu bảo tồn trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh.

Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân. Tuy nhiên, trên thực tế các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia rất cần được hỗ trợ về tài chính lẫn kỹ thuật, nâng cao năng lực để có thể thực hiện được các nhiệm vụ được giao cũng như có thể chủ động hơn trong công tác bảo tồn.

Nga Huyền

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 27/03/2023