Đồng Tháp: Đầu tư 76 tỷ đồng phục vụ dự án phục hồi sếu đầu đỏ

Cập nhật: 14/06/2023
Nhiều năm trở lại đây, số lượng sếu đầu đỏ trở lại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) ngày càng giảm mạnh khiến địa phương này phải tìm cách phục hồi để bảo tồn loài chim quý hiếm này.

Theo đó, dự án đặt mục tiêu phục hồi đàn sếu tự nhiên với tổng kinh phí dự kiến 76 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, ngoài kinh phí nuôi và thả sếu ra tự nhiên, dự án sẽ đầu tư các hạng mục chính như: cải thiện sinh cảnh cho đàn sếu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và quảng bá du lịch. Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp sẽ nhận chuyển giao sếu từ Thái Lan để chăm sóc, huấn luyện cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Thái Lan, Đồng Tháp kỳ vọng trong khoảng 10 năm sẽ nuôi, thả 150 con sếu, ít nhất có 100 con sống sót, sau đó chúng tự nhân đàn.

Một góc của Vườn quốc gia Tràm Chim

Dự án phục hồi đàn sếu phương Đông được phê duyệt trong bối cảnh Vườn quốc gia Tràm Chim vắng bóng sếu đầu đỏ hai năm liên tiếp. Đây là năm thứ ba ghi nhận sếu không quay về trong khi tổng đàn sếu ngoài tự nhiên đang suy giảm nghiêm trọng. Trong những năm 1990, đàn sếu ở Tràm Chim lên đến cả nghìn con, được ghi nhận là nơi có đàn sếu đông nhất Đông Nam Á.

Nằm lọt giữa vùng đất trũng ngập nước của Đồng Tháp Mười, Tràm Chim Tam Nông có diện tích tự nhiên 7.612 ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sinh, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Sau thời gian quy hoạch, phát triển và mở rộng, đầu năm 1999, nơi đây được công nhận Vườn quốc gia Tràm Chim.

Ninh Anh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 13/06/2023