Trống đồng có sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ. Hình ảnh trống đã được “mặc định” là tuyệt tác về mặt mỹ thuật và lưu giữ được cái “hồn cốt” của tổ tiên. Chính vì thế mà sức lan tỏa của trống khá rộng.
Tượng đài năm con chim Lạc ở cửa ngõ thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Trịnh Sinh
1/ Kể từ khi trống đồng Ngọc Lũ được phát hiện năm 1893 tới nay đã 130 năm. Từ bấy đã phát hiện ra nhiều trống đồng khác nữa. Các nhà sử học trong và ngoài nước đã định danh được một nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng sản sinh ra trống đồng, mà chủ nhân đúc trống Đông Sơn chính là tổ tiên của người Việt Nam hiện nay.
Có lẽ “công đầu” quảng bá cho hình ảnh trống đồng Ngọc Lũ một cách rộng khắp là “vô tuyến truyền hình” một thời mới ra đời còn phát hình đen trắng, đã chọn hình nền logo là mặt trống Ngọc Lũ. Hình mặt trống quay tròn với các vành hoa văn chim bay, người múa đội mũ cắm lông chim, nhà sàn, hươu đực, hươu cái và nhất là giữa mặt có hình ngôi sao 14 cánh tượng trưng cho mặt trời… Thế rồi hình ảnh trống Ngọc Lũ lại được nhiều đài truyền hình địa phương được chọn làm logo nữa…
Vẻ đẹp của trống đồng xuyên thời gian, đến nay vẫn là vốn quý cho các nghệ sĩ mỹ thuật sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Có những mẫu trang phục, túi xách tay, bìa lịch, vật dụng cá nhân đã khai thác các mô-típ trang trí trên trống đồng từ hoa văn hình người, động vật cho đến các hoa văn hình học. Các nhà kiến trúc cũng đã khai thác các mảng trang trí trên trống đồng để trang trí các mảng tường trong sảnh nhà hát, rạp chiếu phim, làm tượng đài trang trọng ở một số nút giao thông trọng điểm.
Biểu tượng chim Lạc trên mạng Google.
2/ Hình ảnh trống đồng còn đi vào đời thường trong thế giới ẩm thực, sự kiện, cưới xin… vài chục năm gần đây. Có lẽ cái nhà hàng trống đồng được mở đầu tiên ở Hà Nội là “Nhà hàng trống Đông Sơn ở số 1 Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy”. Du khách đến đây còn được xem một sưu tập trống đồng khá đẹp của chủ nhân nữa. Thế rồi, một loạt các nhà hàng mang tên “Trống đồng” như ở phố Quán Sứ, Trường Chinh, các khu vực Linh Đàm, Hoàng Quốc Việt, Hà Đông… Nhiều nhà hàng, trung tâm tiệc cưới mang tên Trống đồng còn tỏa về nhiều tỉnh, thành phố. Dường như đấy là một thương hiệu gợi vẻ sang trọng, được đông khách lựa chọn. Xem ra, ít biểu tượng của một loại di sản văn hóa của người Việt được người thời nay chấp nhận và lan tỏa nhanh đến vậy. Phải chăng, tiệc cưới là sự kiện trọng đại, mở đầu cho cuộc sống sinh sôi của nhiều thế hệ nên người ta cũng muốn đến một nơi có tên gọi nhiều ý nghĩa như Trống đồng để tổ tiên phù hộ trong cuộc sống đôi lứa dài lâu?
3/ Cho đến nay, trống Đông Sơn vẫn là của “gia bảo” thuộc loại quý nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là sáng tạo độc đáo mà không cộng đồng người nào cùng thời chế tạo được. Nhiều vùng ở Đông Nam Á lúc đó còn chưa vượt qua ngưỡng cửa thời đại đồ đá. Ngoài vẻ đẹp, những bí truyền về kỹ thuật đúc trống Đông Sơn đến nay cũng còn chưa khám phá hết. Vì thế, trống đồng còn là gia tài chung của người Việt trong nước và người Việt xa quê hương nữa, một thứ tài sản chung như tiếng Việt. Vì thế, trống đồng còn giúp cho mọi người Việt gần gũi nhau hơn vì cùng sinh ra từ gốc rễ một nền văn hiến: trống đồng và văn hóa Đông Sơn.
Chúng ta cũng chưa khai thác hình ảnh trống đồng đầy đủ nhất trong kho tàng di sản trống đồng mới phát hiện hoặc trong các sưu tập tư nhân với những hoa văn khá đẹp, mới lạ. Thậm chí sắc nét hơn, có những họa tiết chưa từng thấy, nhất là ở những trống và thạp vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Trong thời điểm đất nước đang chủ trương coi văn hóa là một “ngành công nghiệp”, cần có sự khơi dậy sức mạnh văn hóa, thì những chiếc trống đồng còn có khả năng đóng góp được nhiều. Đấy là sức mạnh quần tụ dân tộc. Trống đồng cũng cần được khai thác thêm ở khối hoa văn và tạo dáng để chọn ra những biểu tượng đẹp phục vụ đời sống nhân sinh và xã hội hơn nữa. Có lẽ, trống đồng vẫn là “mỏ vàng” mà chúng ta còn có thể phát huy được giá trị văn hóa và lịch sử trong một thời gian dài nữa.
Hoa văn hình chim bay trên trống đồng cũng đã từng được mạng tra cứu Google chọn làm logo trong một thời gian… Vẻ đẹp trống đồng Đông Sơn khá tinh mỹ và là sản phẩm đích thực của cư dân Đông Sơn nên biểu tượng trống đồng còn lan sang tận Mỹ. Tại sảnh lớn của trụ sở LHQ ở thành phố New York đã chọn phiên bản của trống đồng Ngọc Lũ để trưng bày, tiêu biểu cho nền văn hóa và văn hiến quốc gia Việt Nam. Gần đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng đã đặt vấn đề đem năm quyển sách “Trống đồng Kính Hoa” do NXB Thế giới in để sang tặng cho một số tiểu bang của Mỹ.
GS, TS: Trịnh Sinh